Chuyện Pfizer khởi tạo 'công xưởng' vắc xin Covid-19

18/06/2021 08:15 GMT+7

Nỗ lực đầu tiên để sản xuất lô vắc xin ngừa Covid-19 đã thất bại hoàn toàn trước khi Pfizer thành công thiết lập dây chuyền sản xuất với quy mô công nghiệp ở Mỹ.

Pfizer dự kiến sẽ sản xuất 3 tỉ liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, nhiều gấp đôi tính toán ban đầu và đủ tiêm chủng cho 1,5 tỉ người, theo Reuters. Ước tính doanh thu năm nay từ vắc xin Covid-19 sẽ đạt 26 tỉ USD (597.090 tỉ đồng), biến nó trở thành dòng vắc xin bán chạy nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành dược. Thế nhưng, ít ai biết thành công hiện tại đã bắt đầu với thất bại hơn một năm trước, khi Pfizer tìm cách xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới.

Mọi thứ từ số 0

Giữa tháng 3.2020, Pfizer tuyên bố liên danh với Công ty BioNTech (Đức) để điều chế và sản xuất vắc xin thử nghiệm chống Covid-19. Lúc đó, BioNTech nghĩ ra cách chế tạo vắc xin dựa trên công nghệ mRNA, hoạt động theo cơ chế huấn luyện các tế bào người tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Công ty Đức cần một đối tác tầm cỡ, đủ năng lực về kỹ thuật chuyên môn và có thể phân phối vắc xin ở quy mô toàn cầu. Và Pfizer được chọn.
Sau 3 ngày đánh giá, hội đồng quản trị Pfizer quyết định chọn Nhà máy Kalamazoo, bang Michigan (Mỹ), để khởi động kế hoạch điều chế vắc xin đầy tham vọng, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu lan khắp thế giới, theo báo The Washington Post ngày 17.6. Ông Pat McEvoy, Giám đốc điều hành cấp cao ở Nhà máy Kalamazoo, là người được giao trọng trách dẫn đầu và phải xây dựng mọi thứ từ con số 0. Khi ấy, nhà máy chưa có các cỗ máy lớn để trộn các hạt nano lipid và lọc thành phẩm, cũng như các thiết bị trữ lạnh cần thiết cho công đoạn bảo quản vắc xin. Trong đó, các hạt nano lipid giúp đưa các sợi mRNA đến các tế bào mục tiêu mà không bị phân hủy.
Pfizer vội vã mua hàng trăm thiết bị trữ lạnh, cho phép duy trì hiệu lực của vắc xin trong môi trường -70 độ C. Nhà máy đồng thời xây thêm hệ thống tản nhiệt khổng lồ, nhằm giải tỏa sức nóng phát ra từ các thiết bị trữ lạnh. Các nhân viên chỉ có 46 giờ để chuyển vắc xin thành phẩm vào lọ và đưa vào nơi bảo quản trước khi nó có thể bị hỏng.

Việt Nam đạt cam kết nhận 31 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech trong năm nay

Bên cạnh đó, các kỹ sư không đủ thời gian để vẽ bản thiết kế, chế tạo và thử nghiệm cỗ máy trộn ở quy mô công nghiệp để hợp nhất mRNA vào các hạt nano lipid. Thế là họ đặt mua nhiều máy nhỏ và sắp xếp thành hệ thống để đạt được hiệu quả tương đương.

Vươn lên từ thất bại

Tuy nhiên, “cuộc thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi đã thất bại hoàn toàn”, ông McEvoy nhớ lại thời điểm sản xuất lô vắc xin thử nghiệm vào ngày 11.9 năm ngoái. Khi kiểm tra thành phẩm, đa số thành phần chủ chốt của vắc xin đều bốc hơi. Pfizer buộc phải nhận sự trợ giúp của chính phủ Mỹ để nhanh chóng sản xuất vắc xin ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, cũng nhờ bài học ở nhà máy Mỹ, 3 ngày sau đội ngũ Pfizer ở Puurs (Bỉ) đã vận hành thành công dây chuyền ở châu Âu.
Kế tiếp, đến lượt hệ thống máy lọc gây trì hoãn hoạt động sản xuất. Pfizer phải bổ sung diện tích màng lọc để nâng công suất từ 1,7 triệu lên hơn 3 triệu liều. Sau khi giải quyết những vấn đề trên, Pfizer nhận được tin vui từ phòng thí nghiệm. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố hôm 9.11.2020 cho thấy vắc xin đạt hiệu quả hơn 90% trong việc ngừa Covid-19. Ngày 11.12.2020, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn vắc xin của liên danh Pfizer/BioNTech để phòng ngừa Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.
Ba ngày sau, các xe tải nối đuôi nhau rời khỏi Nhà máy Kalamazoo, phân phối những lô vắc xin đầu tiên cho Mỹ, từ đó mở ra trang mới cho nỗ lực chống Covid-19 trên toàn cầu.
Ông Biden hoài nghi thái độ của Trung Quốc về chống dịch
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được câu hỏi rằng liệu ông có gọi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách “bạn cũ” để yêu cầu cho các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đến Trung Quốc tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid-19? Theo Reuters, Tổng thống Biden nói ông và Chủ tịch Tập biết rõ nhau, nhưng không phải là bạn cũ mà “chỉ là quan hệ công việc”.
Tổng thống Biden cho rằng Trung Quốc đang rất cố gắng để thể hiện là một nước có trách nhiệm và rất sẵn lòng hỗ trợ hoạt động liên quan đến việc chống dịch và vắc xin. Tuy nhiên, ông tỏ ra hoài nghi về thái độ này khi đặt câu hỏi: “Trong một số việc, bạn không cần giải thích cho người dân thế giới, họ nhìn thấy kết quả. Có phải là Trung Quốc đang thật sự cố gắng làm rõ ngọn nguồn của việc này?”.
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.