Có gì sau 'chữ ký đắt giá nhất lịch sử' của Tổng thống Biden?

12/03/2021 22:35 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua ký ban hành gói cứu trợ 1.900 tỉ USD để giúp nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 .

Đã có những ví von cho rằng Tổng thống Joe Biden đã đặt bút ký “chữ ký đắt giá nhất lịch sử” để cứu trợ nền kinh tế. Mặc cho sự phản đối tuyệt đối từ phía đảng Cộng hòa, Tổng thống Biden cho rằng gói cứu trợ này là chiến thắng dành cho nhóm lao động phổ thông, lực lượng mà ông cho là “xương sống đã xây dựng nên nước Mỹ”. Đây cũng là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giảm 1/3 tỷ lệ người nghèo và giảm tỉ lệ trẻ em nghèo hơn một nửa, CNN dẫn ước tính của Đại học Columbia và Viện Đô Thị cho biết.

Kế hoạch giảm nghèo

Dự luật dành ra 143 tỉ USD cho việc ưu đãi thuế đối với các gia đình có con nhỏ. Theo đó, gia đình có con dưới 6 tuổi được miễn thuế thu nhập liên bang 3.600 USD/trẻ, và 3.000 USD cho trẻ từ 6-17 tuổi. Mức ưu đãi trước nay là 2.000 USD/trẻ.
Những thay đổi có thể tạo tác động lớn đến hàng triệu gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp và thu nhập không cố định. Theo phân tích của Trung tâm Ngân sách và ưu tiên chính sách, hơn 4 triệu trẻ em có thể được giúp thoát nghèo, đặc biệt là trẻ em từ các gia đình da màu hoặc Mỹ Latin.
Dự luật cũng dành ra 400 tỉ USD để hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ. Những người đủ điều kiện là cá nhân có thu nhập hằng năm dưới 80.000 USD hoặc các cặp vợ chồng thu nhập dưới 160.000 USD hằng nằm.
Khoảng 163 tỉ sẽ được chi cho bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, lao động thất nghiệp sẽ nhận được trợ cấp liên bang là 300 USD mỗi tuần cho đến ngày 6.9.

Ưu tiên y tế

Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden chính là tiêm vắc xin cho toàn bộ công dân Mỹ với mức chi dự tính khoảng 123 tỉ USD. Trong đó, hàng chục tỉ USD sẽ được tài trợ cho việc truy vết và xét nghiệm, gia tăng số lượng nhân viên y tế công cộng, hỗ trợ phân phối vắc xin và chuỗi cung ứng. Tổng thống Biden mới đây tuyên bố sẽ có đủ vắc xin cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối tháng 5, sớm hơn 2 tháng so với ước tính trước đó.
Về chính sách nhà ở, hơn 30 tỉ USD sẽ được chi để hỗ trợ người vô gia cư và hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp để trả tiền thuê nhà. Các tiểu bang sẽ nhận thêm 10 tỉ USD để giúp những người có nhà nhưng đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thế chấp và các chi phí nhà ở khác vì đại dịch Covid-19.
Về mảng giáo dục, các trường hệ K-12 (từ mầm non đến hết lớp 12) sẽ được hỗ trợ 130 tỉ USD trong khi các trường cao đẳng, đại học nhận 40 tỉ USD. Số tiền này dự kiến dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng, mua thiết bị bảo vệ cá nhân và thực hiện giãn cách xã hội. Học sinh, sinh viên sẽ được nhận khoản hỗ trợ tài chính để trang trải những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, nơi ở, sức khoẻ trong mùa dịch.

Nhờ gói kích thích 1,9 nghìn tỉ USD, Mỹ có thể là "đầu tàu" kéo tăng trưởng kinh tế thế giới

Trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và chính quyền địa phương

Theo dự luật, 16 tỉ USD Mỹ sẽ được dùng để hỗ trợ nông dân Mỹ và 59 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đặc biệt là nhà hàng. Các nhà hàng tại Mỹ gần như đã kiệt sức sau lệnh đóng cửa nhiều đợt của chính phủ. Trong tháng 1, doanh thu toàn ngành này đã giảm hơn 16% so với một năm trước. Dự luật cũng dành 100 triệu USD cho các Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nhỏ do Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) và các tổ chức khác tài trợ, nhằm cung cấp tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ.
Đồng thời, để giúp các chính quyền địa phương đối phó với việc thiếu hụt ngân sách, gói cứu trợ đã dành 350 tỉ USD cho các tiểu bang, thành phố, chính phủ, bộ lạc và các vùng lãnh thổ. Từ khi đại dịch diễn ra, chính quyền các bang và địa phương đã phải cắt giảm 1,3 triệu việc làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.