Đó là kịch bản được đưa ra trong tuần lễ diễn tập đối phó tiểu hành tinh, bắt đầu từ ngày 26.4 và do Trung tâm Nghiên cứu Các Vật thể Cận Trái đất của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn đầu, theo Tạp chí Newsweek hôm 1.5.
Theo nội dung kịch bản, tiểu hành tinh giả định có tên 2021PDC được phát hiện vào ngày 19.4. Và xác suất thiên thể này đâm vào Trái đất là 5% vào ngày 20.10, tức 6 tháng kể từ ngày phát hiện.
Mỗi ngày trôi qua, những người tham gia biết thêm về kích thước, đường đi của đối tượng. Ví dụ, 2021PDC có kích thước dao động từ 35 đến 800 m.
Kế đến, họ phải hợp tác và vận dụng kiến thức hiện có để đưa ra phương án ngăn chặn "hung thần" đang trên đà lao đến.
Và các nhà nghiên cứu buồn bã đưa ra kết luận, hiện vẫn không có công nghệ nào của Trái đất đủ năng lực bảo vệ địa cầu trước nguy cơ tấn công của tiểu hành tinh trong vòng 6 tháng.
Vào thời điểm kết thúc nội dung diễn tập do NASA tổ chức, các mô phỏng máy tính cho thấy tiểu hành tinh giả định đã đâm xuống Đông Âu, gần biên giới giữa Đức, CH Czech và Áo. Năng lượng tỏa ra từ vụ va chạm tương đương với sức công phá của một quả bom nguyên tử cỡ lớn.
Theo tính toán hiện nay, tạm thời Trái đất vẫn chưa gặp phải “sát thủ” nào như trong kịch bản trên. Tuy nhiên, các cơ quan không gian vẫn chưa phát hiện được tung tích của ít nhất 2/3 số tiểu hành tinh có đường kính 140 m hoặc hơn (loại có thể gieo rắc sự phá hoại đáng kể cho địa cầu) trong phạm vi gần Trái đất.
Đó là lý do NASA và các đối tác phải chuẩn bị cho tình huống trên.
“Những dạng diễn tập như thế này cho phép các cộng đồng bảo vệ Trái đất có thể tương tác với nhau và tăng cường sự phối hợp giữa các chính phủ để bảo đảm rằng chúng ta đều sẵn sàng đối diện mối đe dọa từ không gian trong tương lai”, theo quan chức Lindley Johnson của NASA.
Bình luận (0)