Cộng đồng ASEAN thống nhất, hòa bình, thịnh vượng

23/11/2015 07:58 GMT+7

Ngày 22.11, Cộng đồng ASEAN chính thức được tuyên bố thành lập còn Biển Đông tiếp tục là một chủ đề trọng tâm nóng bỏng trong đợt hội nghị cấp cao ở Malaysia.

Ngày 22.11, Cộng đồng ASEAN chính thức được tuyên bố thành lập còn Biển Đông tiếp tục là một chủ đề trọng tâm nóng bỏng trong đợt hội nghị cấp cao ở Malaysia.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ ký thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 - Ảnh: Lam YênCác nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ ký thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 - Ảnh: Lam Yên
Trong ngày cuối cùng của đợt Hội nghị Cấp cao ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á, lãnh đạo 10 thành viên của khối chính thức ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trước sự chứng kiến của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và lãnh đạo 8 nước đối tác đối thoại là Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc.
Biển Đông là mối quan tâm chung
Theo thông cáo báo chí chung của ASEAN, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 31.12.2015 dựa trên 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa hết sức to lớn, đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục củng cố liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, dỡ bỏ thuế quan, giải quyết nhanh thủ tục hải quan, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm thất nghiệp, kết nối giao thông vận tải để tạo thuận lợi đi lại...
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định sự hình thành Cộng đồng ASEAN đem lại cả lợi ích vĩ mô và vi mô. Về chính trị - an ninh, đây là cơ hội rất lớn thể hiện quyết tâm của ASEAN đóng vai trò chủ động trong việc đề ra giải pháp đối với các vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực.
Trong đó, đương nhiên Biển Đông sẽ trở thành vấn đề quan tâm chung. Về kinh tế sẽ đặt cơ sở cho một nền sản xuất chung, một thị trường chung để tăng cường kết nối, giảm chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Việc nào sẽ tạo cho ASEAN sức cạnh tranh cao hơn.
Trung Quốc tuyên bố không dừng xây đắp
Cũng trong ngày 22.11, tại Kuala Lumpur đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Biển Đông trở thành chủ đề vô cùng nóng bỏng. Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo tham dự đều thể hiện cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thấy sự quan ngại sâu sắc về những hành động phi pháp của nước này trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III khẳng định thế giới đang theo dõi liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm hay không.
Phát biểu tại EAS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tại châu Á - Thái Bình Dương, hòa bình và ổn định tuy được duy trì nhưng đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ truyền thống và phi truyền thống, nhất là tranh chấp trên biển ngày càng căng thẳng. Theo Thủ tướng, hòa bình và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông.
Những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Thủ tướng khẳng định: “Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này” và đề nghị các nước cùng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề xuất các biện pháp duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định để phát triển như tạo dựng lòng tin chiến lược giữa các nước, đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa và quản lý các xung đột tiềm tàng, kể cả minh bạch hóa chính sách an ninh - quân sự. Ngoài ra, phải thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các nước lớn phải hành xử có trách nhiệm và mang tính xây dựng, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực.
Bất chấp dư luận quốc tế, trong cuộc họp báo của đoàn nước này tại Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên khẳng định những hành động xây đắp phi pháp của nước này trên Biển Đông là “hành động cần thiết dựa trên quyền hạn pháp lý của Trung Quốc để giúp đỡ cuộc sống cư dân trên đảo cũng như củng cố các cơ sở quân sự cho an ninh quốc gia”. Nước này thậm chí còn có kế hoạch mở rộng và nâng cấp các cơ sở phi pháp vì “nhu cầu quốc phòng” cũng như “thực thi nghĩa vụ quốc tế, cung cấp các dịch vụ công cộng cho những nước trong khu vực”.
Từ tối 21.11 đến ngày 22.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự các hội nghị ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN -New Zealand, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - LHQ cũng như gặp gỡ song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull để thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần lượt mời Tổng thống Obama và Tổng thống Widodo sớm thăm VN và hai nhà lãnh đạo đều nhận lời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.