(TNO) Kinh tế Trung Quốc phát triển, nhiều người ở nông thôn di cư đến các thành phố lớn để mưu sinh, làm việc tại các công trình xây dựng. Và nhiều người trong số họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình do mắc một căn bệnh phổi chết người.
Trước đây, có hơn 200 người đàn ông rời khỏi Song Hỷ ở tỉnh Hồ Nam để đi làm việc tại các công trình xây dựng, đa số ở thành phố Thâm Quyến, và nay ¼ số người này đã qua đời, còn khoảng 100 người đang chờ chết do mắc bệnh bụi phổi giai đoạn cuối. Hầu hết những người đàn ông này đều là lao động chính, trụ cột gia đình, theo AFP.
“Phổi của tôi giống như ngưng hoạt động. Ngực thì co thắt, không thể thở nổi”, ông Xu Zuoqing (44 tuổi) quê ở làng Song Hỷ, một công nhân từng làm việc tại các công trình xây dựng khoảng 15 năm qua, nói.
“Ước gì tôi không phải chết sớm nhưng bệnh tật đau đớn quá nên tôi chỉ muốn chết cho nhẹ nhàng thoải mái”, theo AFP dẫn lời ông Xu, mắc bệnh bụi phổi.
|
Kinh tế Trung Quốc phát triển trong suốt hơn ba thập niên qua, từng vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn đứng thứ 2 sau Mỹ, và sự phát triển kinh tế này được xây dựng dựa trên một lực lượng lao động dồi dào di cư từ các vùng nông thôn, theo AFP.
Nhưng các tiêu chuẩn an toàn lao động lại không được đảm bảo và theo các chuyên gia Trung Quốc, hàng triệu công nhân Trung Quốc hiện đang mắc bệnh bụi phổi (Bệnh ho dị ứng do hít phải nhiều bụi), một chứng bệnh nan y đang hoành hành sức khỏe ông Xu mỗi ngày.
AFP dẫn thống kê từ chính phủ Trung Quốc cho biết có đến 676.541 trường hợp mắc bệnh bụi phổi, và khoảng 1/5 trong số những trường hợp này đã tử vong.
Có tiền bồi thường cũng không đủ chữa bệnh
Bệnh bụi phổi (pneumoconiosis) diễn biến âm thầm trong nhiều năm, và các công nhân tại các hầm mỏ, nhà máy, và công trình xây dựng hít phải khói bụi độc lâu ngày mà không thể phát hiện mình bị bệnh cho đến khi không thể đi lại, hoặc không thể thở nổi, theo AFP.
Những công nhân mắc bệnh bụi phổi, xuất thân từ các vùng nông thôn lại thường là lao động chính, trụ cột gia đình. Và nhiều gia đình ở nông thôn buộc phải để cho trụ cột gia đình chết do không có tiền lo thuốc thang, theo AFP.
“Bệnh nhân có thể dùng thuốc để cầm cự qua ngày, nhưng bệnh bụi phổi vẫn là án tử hình”, người phát ngôn Geoff Crothall của Tổ chức Bảo vệ quyền người lao động China Labour Bulletin ở Hồng Kông cho biết.
“Những gia đình mất một trụ cột gia đình do bệnh bụi phổi thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề”, theo ông Crothall.
Làng Song Hỷ đã phải chứng kiến nhiều trường hợp tử vong do bệnh bụi phổi ngày càng gia tăng.
Anh trai của ông Xu đã qua đời hồi tháng 2.2013 vì bệnh bụi phổi, để lại vợ con sống cùng bà mẹ chồng không biết làm gì để kiếm sống, còn bản thân ông Xu bây giờ cũng mắc bệnh bụi phổi.
Hồi năm 2009, nhiều công nhân ở làng Song Hỷ mắc bệnh bụi phổi không thể đi làm được nữa, cùng nhau đến Thâm Quyến đòi các công ty xây dựng bồi thường bệnh nghề nghiệp cho họ.
Sau nhiều tháng thương lượng, họ được nhận 70.000-130.000 nhân dân tệ (11.000-21.000 USD) tiền bồi thường bệnh nghề nghiệp từ chính quyền Thâm Quyến, trong khi theo đúng luật bảo hiểm người lao động, họ phải nhận được 290.000 nhân dân tệ (47.000 USD).
|
Nhưng chỉ khoảng 10-20% công nhân mắc bệnh bụi phổi ở toàn Trung Quốc có thể nhận được tiền bồi thường bệnh nghề nghiệp.
Bởi vì, khi bệnh bụi phổi ở giai đoạn cuối các công nhân mới phát hiện thì hợp đồng lao động của họ cũng kết thúc, hoặc làm mất giấy tờ, hoặc các công ty đóng cửa, hay không thể chứng minh mắc bệnh do nghề nghiệp.
Thậm chí những công nhân may mắn nhận được tiền bồi thường bệnh nghề nghiệp, thì số tiền này cũng nhanh chóng biến mất do họ phải chi tiền cho hàng đống thuốc men, máy chạy khí ô xy, thuốc tiêm và viện phí.
Chẳng hạn trường hợp của ông Cao Jieshi (46 tuổi), một công nhân do mắc bệnh bụi phổi ở làng Song Hỷ không đủ sức khỏe phải nghỉ làm, đã vay mượn tổng cộng 40.000 nhân dân tệ (6.500 USD) từ người thân gia đình, bạn bè để chữa bệnh.
“Thậm chí đi tắm thôi, mà vợ cũng phải tắm cho tôi. Chắc tôi chỉ sống được chưa tới 2 năm nữa”, ông Cao, cố gắng nói với phóng viên AFP dù không thể thở nổi do bệnh quá nặng.
Mặc dù nhận được tiền bồi thường bệnh nghề nghiệp, ông Cao đã trả hết tiền nợ, nhưng số tiền bồi thường cũng nhanh chóng hết sạch.
Phúc Duy
>> Bệnh bụi phổi silic có chữa được không?
>> Bệnh nghề nghiệp tăng cao
>> Trung Quốc: Mất 12,5 tỉ USD/năm vì bệnh nghề nghiệp
Bình luận (0)