Hôm qua 9.9, Hãng dược AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) thông báo đã ngừng thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin AZD1222 vì có bệnh nhân gặp tác dụng phụ. Vắc xin này đang được thử nghiệm giai đoạn cuối trên khoảng 50.000 người tại nhiều nước như Anh, Brazil, Mỹ và Nam Phi và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất trong cuộc đua bào chế vắc xin ngừa Covid-19.
Hiện chưa rõ nguyên nhân sự cố, nhưng tờ The New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết một tình nguyện viên tại Anh tham gia thử nghiệm bị viêm tủy ngang, một dạng rối loạn hệ thần kinh do nhiễm vi rút. AstraZeneca không bình luận về thông tin này và giải thích rằng việc hoãn thử nghiệm là hành động thường lệ khi xảy ra bệnh lý không giải thích được trong quá trình thử nghiệm.
Quyết định của AstraZeneca được đưa ra ngay sau khi công ty này cùng 8 hãng dược của Mỹ và châu Âu cam kết sẽ không đăng ký cấp phép nếu chưa có đủ chứng cứ về mức độ an toàn của vắc xin. Cam kết được đưa ra sau khi giới chuyên gia bày tỏ lo ngại chính quyền Mỹ đang gia tăng sức ép để cấp phép cho vắc xin trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3.11. Giám đốc khoa học WHO Soumya Swaminathan hôm qua tuyên bố việc sớm cấp phép vắc xin là điều quan trọng nhưng ưu tiên là sự an toàn.
Hiện tại, các nhà sản xuất đang cạnh tranh để phát triển vắc xin nhằm ngăn ngừa đại dịch đã khiến hơn 27 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm. Theo số liệu của WHO, có 9 loại vắc xin đang được thử nghiệm giai đoạn 3, chặng cuối cùng trước khi được cấp phép.
Giới chuyên gia nhận định cú vấp ngày 9.9 tuy không phải là điều hiếm gặp nhưng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của AstraZeneca. Một số nước có thỏa thuận với AstraZeneca về việc cung cấp vắc xin đã lên tiếng về diễn biến mới nhất, trong đó Mexico nói sự cố này có thể sẽ khiến việc phân phối vắc xin cho khu vực Mỹ Latin bị trì hoãn. Giới chức Mỹ từ chối bình luận trong khi Úc tuyên bố không lo lắng. Bộ trưởng Y tế Anh Matthew Hancock cùng ngày thừa nhận đây rõ ràng là một thách thức nhưng không phải là lần đầu sự việc này xảy ra và cũng không đồng nghĩa tiến độ phát triển sẽ bị chậm lại.
Diễn biến bất ngờ đối với AstraZeneca khiến giá cổ phiếu của hãng này hôm qua giảm hơn 8% trong khi giá cổ phiếu của đối thủ Moderna (Mỹ) tăng hơn 4%, theo Reuters. Trong khi đó, nhà sáng lập BioNTech (Đức) Ugur Sahin hôm qua nói với CNN rằng vắc xin BNT162 do hãng này liên danh phát triển cùng Pfizer (Mỹ) sẽ sẵn sàng để được cấp phép vào giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Reuters cùng ngày đưa tin Nga chuẩn bị ký hợp đồng xuất khẩu thứ 2, bán 32 triệu liều vắc xin Sputnik V cho Mexico.
Bình luận (0)