Cùng lợi hay cùng thiệt

29/03/2019 10:00 GMT+7

Chuyện trong tương lai xa nhưng ngay từ giờ đã thời sự khi chính phủ Malaysia nói sẽ trả đũa EU thích đáng nếu EU thực hiện ý định cho tới năm 2030 cấm sử dụng dầu cọ của Malaysia.

EU cũng dự định áp dụng biện pháp này với cả Indonesia. Hiện Malaysia và Indonesia chiếm 85% lượng dầu cọ cung ứng trên toàn thế giới. Con số này đủ để cho thấy chủ trương của EU nếu được thực thi trên thực tế sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực thế nào cho tăng trưởng kinh tế và thu nhập từ xuất khẩu của Malaysia. Cho nên không khó hiểu khi Malaysia sớm cảnh báo và răn đe EU.
Malaysia là thành viên của ASEAN. Chủ trương của EU là kết hợp thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEAN nói chung và với các thành viên khối nói riêng.
Vì thế, một khi quan hệ hợp tác của EU với Malaysia bị ảnh hưởng thì đương nhiên quan hệ hợp tác với ASEAN cũng bị ảnh hưởng. Một trong những con chủ bài Malaysia có trong tay để buộc EU không thể coi nhẹ lời cảnh báo là dự định mua chiến đấu cơ Rafale và Typhoon của EU. Đây được coi là hợp đồng mua máy bay quân sự lớn chưa từng có ở châu Âu.
Thông điệp của Malaysia xem ra là nếu EU cấm sử dụng dầu cọ của Malaysia thì thành viên ASEAN này sẽ mua máy bay quân sự của đối tác khác.
Logic suy tính và diễn giải ở đây là người sao thì ta vậy. Người để cho ta được lợi thì ta cũng sẽ để cho người được lợi, còn nếu làm cho ta bị thua thiệt thì ta cũng đâu có ngại gì mà không làm cho người bị thua thiệt. Thời nay chỉ có cùng lợi hay cùng thiệt mà thôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.