Cuộc đua tác chiến điện tử ở Biển Đông

30/08/2016 11:08 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng Mỹ và Trung Quốc đua nhau tăng cường khả năng tác chiến điện tử ở Biển Đông có thể đẩy căng thẳng leo thang.

Hồi đầu tháng này, hải quân Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Hoa Đông, với sự tham gia của hàng trăm tàu chiến thuộc 3 hạm đội, trong đó có cả Hạm đội Nam Hải, vốn có địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Trang mạng Quân sự Trung Quốc khi đó dẫn thông báo của hải quân nước này khẳng định cuộc tập trận nhằm rèn luyện cho binh sĩ về “tốc độ, cường độ, sự chính xác và ổn định khi tấn công trong môi trường điện từ phức tạp”.
Hay nói cách khác, theo nhà nghiên cứu Brendan Thomas-Noone tại ĐH Sydney (Úc), cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử, có thể được áp dụng từ trên bộ, trên không, trên biển và không gian vũ trụ nhờ các hệ thống có người lái hoặc không người lái và có thể nhắm vào con người, hệ thống liên lạc, radar cùng những tài sản khác.
Những trạm radar nguy hiểm
Trong bài phân tích Electronic warfare in the South China Sea (tạm dịch: Tác chiến điện tử ở Biển Đông) được đăng trên website The Strategist thuộc Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, ông Thomas-Noone cho rằng cuộc tập trận nói trên nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuẩn bị và tăng cường khả năng tác chiến điện tử để cạnh tranh với Mỹ ở Biển Đông. Ông Thomas-Noone chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị các loại vũ khí cho tác chiến điện tử ở Biển Đông. Đó là nhiều trạm radar được lắp đặt trên phần lớn những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp.
Theo Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía nam, chẳng hạn như Singapore”, Giám đốc AMTI Gregory Poling nhận định với tờ The Washington Post.
Trung Quốc đưa tên lửa mới vào tác chiến
Ngày 29.8, tờ South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa khẳng định hệ thống tên lửa phòng không thế hệ 3 của nước này đã sẵn sàng tác chiến. Ông Thân nói hệ thống có thể tấn công các mục tiêu từ tầm xa đến tầm ngắn, tầm thấp đến tầm cao, nhưng không nêu cụ thể tên cũng như tầm hoạt động của loại tên lửa này.
Tương tự, ông Thomas-Noone, viết: “Những hệ thống radar được lắp đặt rải rác giúp mở rộng các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) khắp Biển Đông, khi được kết hợp với mạng lưới vệ tinh do thám và sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, chúng sẽ cho phép theo dõi tốt hơn các tàu và khí tài quân sự khác ở khu vực”.
Ông còn lưu ý rằng Trung Quốc dường như cũng đang lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh trên một số đảo nhân tạo. Những thiết bị này sẽ mang lại khả năng nhắm mục tiêu tầm xa đáng tin cậy và tiên tiến hơn cho kho tên lửa đạn đạo chống hạm ngày càng lớn của quân đội Trung Quốc, làm tăng mối đe dọa từ chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực (A2/AD) của Trung Quốc đối với những mục tiêu đang di chuyển, như nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
Cũng theo ông Thomas-Noone, những thiết bị, cơ sở nói trên còn cho phép quân đội Trung Quốc tiến hành gây nhiễu các bộ cảm biến điện tử và radar của các nước khác trong khu vực. Hồi tháng 5.2015, báo The Washington Free Beacon dẫn lời một số quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc từng cố gây nhiễu một máy bay không người lái (UAV) Global Hawk của Mỹ đang bay gần đá Chữ Thập.
Vũ khí ứng phó của Mỹ
Bất chấp tình trạng bị Trung Quốc gây nhiễu UAV, Mỹ từ năm 2015 vẫn tăng cường hoạt động của loại máy bay này ở Biển Đông và bắt đầu từ năm 2019, Washington sẽ triển khai một số chiếc UAV MQ-9 Reaper tới khu vực, theo trang tin Yibada. MQ-9 Reaper được trang bị bom thông minh và tên lửa, có thể bay liên tục 14 giờ trong điều kiện chất đầy vũ khí.
Ngoài ra, Mỹ đã bắt đầu có động thái ứng phó khả năng tác chiến điện tử của Trung Quốc. Ông Thomas-Noone đưa ra bằng chứng rõ ràng nhất là hải quân Mỹ đã triển khai 4 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler đến Philippines hồi tháng 6. Growler có vận tốc tối đa 1.900 km/giờ và bán kính tác chiến 722 km, được trang bị một số tên lửa không đối không và không đối đất. Washington khẳng định việc triển khai này chỉ nhằm phục vụ cho những “sứ mệnh huấn luyện song phương”, nhưng Growler có thể tham gia các chiến dịch trinh sát ở Biển Đông và có khả năng gây nhiễu sóng các hệ thống radar được Trung Quốc lắp đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp, theo nhà nghiên cứu Thomas-Noone.
Nhà nghiên cứu này dự đoán thế giới sẽ chứng kiến viễn cảnh rằng Washington càng ngày càng tăng cường khí tài tác chiến điện tử nhằm vào những cơ sở hạ tầng radar của Trung Quốc ở Biển Đông, còn Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh khả năng phòng thủ và tấn công điện tử nhằm bảo vệ những năng lực tác chiến điện tử mới. “Cuộc cạnh tranh này, nếu nó tăng nhiệt và kéo dài, sẽ chỉ góp phần làm tăng nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang ở Biển Đông”, ông Thomas-Noone cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.