Cuộc đua tiêm chủng không cân sức

Bảo Vinh
Bảo Vinh
21/04/2021 07:31 GMT+7

Tính đến hôm qua, hơn 905 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng tại ít nhất 181 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương đương 12 liều cho mỗi 100 người.

Chênh lệch giàu và nghèo

Số liệu trên được dự án Our World in Data thuộc ĐH Oxford (Anh) tổng hợp từ các nguồn chính phủ. Nhiều loại vắc xin đã được phát triển với tốc độ kỷ lục, phần lớn nhờ việc nghiên cứu về loại vi rút từ những năm trước đó và nguồn đầu tư hàng tỉ USD. Những nước có lượng vắc xin được tiêm nhiều nhất gồm Mỹ (hơn 209 triệu liều), Trung Quốc (hơn 195 triệu liều), Ấn Độ (hơn 123 triệu liều). Tuy nhiên, xét về phần trăm dân số đã được tiêm chủng, trong tốp đầu đáng chú ý có Israel (60% dân số), Anh (49%), Mỹ (40%).

Hơn 80.000 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

Ngày 20.4, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 10 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hưng Yên (1 ca), Hòa Bình (2 ca), Nghệ An (1 ca), Đà Nẵng (5 ca) và Hà Nội (1 ca). Trong ngày 20.4, thêm 15 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.801 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 2.490 ca đã được điều trị khỏi. Đến hôm qua, đã có 80.857 người thuộc nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. Đã 26 ngày liên tiếp trong nước không ghi nhận ca
mắc trong cộng đồng.
Liên Châu

Trái lại, nhiều nước đến nay vẫn chưa tiêm liều vắc xin nào, đặc biệt là tại khu vực châu Phi. Các nước thu nhập thấp đang phải dựa vào chương trình chia sẻ vắc xin COVAX do LHQ hỗ trợ, có mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều vắc xin cho đến cuối năm 2021. Tính đến nay, trong số hơn 905 triệu liều vắc xin đã được tiêm, các nước thu nhập cao và trung bình cao chiếm đến 83%, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ là 0,2%.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Ấn Độ đẩy nhanh phê duyệt vắc xin ngoại

Trong cuộc họp báo hồi đầu tuần, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 trong những tháng tới nếu các nguồn tài nguyên cần thiết được phân phối công bằng. Các nhà hoạt động nhân quyền lên án tình trạng “vô đạo đức” khi các nước thu nhập cao gom hàng và ưu tiên tiêm cho người trẻ trong khi những người già, người thuộc nhóm nguy cơ ở các nước thu nhập thấp lại không có vắc xin để tiêm.
Ấn Độ, nước sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đã ngừng các hợp đồng xuất khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước do dịch bùng phát mạnh. Nước này đang hy vọng chính phủ Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất vắc xin nhằm đẩy mạnh việc sản xuất trong thời gian tới.
Mặt khác, ngay cả một nước có tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin cao như Chile (41%) cũng lại đang chứng kiến đợt bùng phát mạnh gần đây. Giới chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân gồm sự xuất hiện của biến chủng vi rút dễ lây lan, người dân đi lại nhiều và lơ là trong việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, hiệu quả của vắc xin mà Chile sử dụng cũng là yếu tố chính được nhắc đến. Theo Đài CNBC, 93% nguồn vắc xin của Chile là từ Trung Quốc, trong đó nghiên cứu mới nhất cho thấy vắc xin CoronaVac của Hãng Sinovac chỉ đạt hiệu quả 56,5%, hai tuần sau khi tiêm liều 2. Đáng chú ý, mức hiệu quả chỉ là 3% nếu tiêm một liều.

Vẫn tranh cãi Hộ chiếu vắc xin

Với việc ngày càng có nhiều người được tiêm vắc xin đầy đủ, việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” được coi là chìa khóa cho việc khôi phục hoạt động sau thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, Ủy ban Khẩn cấp của WHO mới đây phản đối việc bắt buộc người dân phải chứng minh đã được tiêm vắc xin để được di chuyển quốc tế vì việc này gây ra tình trạng bất bình đẳng.
Ý kiến của WHO được đưa ra sau khi nhiều nước rục rịch triển khai “hộ chiếu vắc xin”, không những cho việc di chuyển quốc tế mà còn để người dân đi đến các địa điểm trong nước. Ý tưởng này gây ra sự chỉ trích vì nảy sinh tình trạng phân biệt đối xử giữa người đã được tiêm và người chưa được tiêm, bên cạnh những lo ngại về quyền riêng tư.
Ngoài ra, việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin” còn làm nảy sinh tình trạng làm giả với giá chỉ khoảng 12 USD mỗi tấm (276.000 đồng). Quỹ Thomson Reuters dẫn lời ông Beenu Arora, người sáng lập Hãng tình báo mạng Cyble, cho biết các dịch vụ làm giả “hộ chiếu vắc xin” mọc lên như nấm từ cuối tháng 2 tại các nước chấp nhận sử dụng loại giấy tờ này để cho phép người dân được đến các nơi giải trí, đi nhà hàng hay đến sân vận động.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.