Hôm qua (2.4), tại TP.HCM, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), đã thông tin đến các cơ quan báo chí về kế hoạch dự kiến phân bổ lô vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên từ COVAX Facility (Cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức như: UNICEF, GAVI, CEPI thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19) gồm 811.200 liều do AstraZeneca và ĐH Oxford phát triển, ủy quyền cho Công ty SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất, vừa được Việt Nam tiếp nhận.
Còn 3 - 4 tháng sử dụng lô vắc xin
GS-TS Đặng Đức Anh cho biết, hiện lô vắc xin này đã được gửi đến Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để lấy mẫu kiểm định độ an toàn. Sau khi kiểm định xong, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các tỉnh thành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Sắp tới, đối tượng tiêm, các điểm tiêm sẽ mở rộng hơn. Ngoài các điểm tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, tại xã, phường, trung tâm y tế, các đơn vị trong ngành y tế sẽ tham gia cùng những đơn vị khác. Do thời hạn sử dụng của lô vắc xin này tính từ lúc sản xuất cho đến khi hết hạn là 6 tháng và khi về đến VN còn lại 3 - 4 tháng, nên phân bổ vắc xin đúng kế hoạch mới sử dụng kịp thời.
Liên quan vấn đề cung ứng vắc xin, trả lời câu hỏi vì sao vắc xin của Hãng AstraZeneca lại được cung ứng thông qua Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC), GS-TS Đặng Đức Anh cho biết phía AstraZeneca yêu cầu phải đặt cọc. Tuy nhiên, theo cơ chế, thủ tục, nếu cơ quan nhà nước đặt cọc thì sẽ gặp một số vướng mắc.
Do vậy, trong năm 2020, VNVC đã đầu tư rủi ro khi ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca với số tiền đặt cọc lên tới trên 600 tỉ đồng ngay trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và có nguy cơ mất toàn bộ số kinh phí này nếu vắc xin không được phê duyệt sử dụng. Hiện VNVC đã đồng ý bán cho Bộ Y tế theo hình thức phi lợi nhuận.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết theo báo cáo của các địa phương, đã có hơn 35.000 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó tỉnh Hải Dương, địa phương vừa trải qua đợt bùng phát Covid-19 mạnh từ cuối tháng 1 tới trung tuần tháng 3.2021, có số lượng người tiêm cao nhất với 16.635 người. Chương trình TCMR quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm. Hầu hết là phản ứng thông thường với tỷ lệ tương đương thông báo của nhà sản xuất và một số rất ít trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nhưng đã được xử trí theo quy định. Đến nay các trường hợp này đã hồi phục sức khỏe. Tính tới thời điểm này, không ghi nhận bất cứ trường hợp nào có biểu hiện đông máu sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam.
|
Vắc xin của AstraZeneca được cấp phép sử dụng và cuối tháng 2.2021 đã có lô đầu tiên 117.600 liều vắc xin của Hãng AstraZeneca do SK Bioscience - Hàn Quốc sản xuất về đến Việt Nam, được triển khai tiêm chủng từ ngày 8.3 đến nay. Dự kiến, 29,87 triệu liều vắc xin còn lại sẽ về đến Việt Nam trong quý 2 và 3 năm 2021. Tuy nhiên thời gian chính xác có thể lùi lại do khó khăn về cung ứng vắc xin trên thế giới.
Áp dụng “hộ chiếu vắc xin” khi đủ điều kiện
Theo GS-TS Đặng Đức Anh, hiện chưa có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100% người được tiêm. Đặc biệt, vắc xin phòng Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn; hiệu lực bảo vệ đạt từ 60 - 90% và WHO còn đang tiếp tục đánh giá. Vì vậy, một số người đã được tiêm chủng vắc xin vẫn có thể mắc bệnh và tiềm ẩn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, mặc dù nguy cơ này là thấp.
Kết quả tiêm vắc xin Covid-19 tại 16 tỉnh, thành phố từ ngày 8 - 21.3Hải Dương: 16.635 người; TP.Hà Nội: 6.360 người; TP.Hải Phòng: 205 người; Hưng Yên: 2.571 người; Bắc Ninh: 2.233 người; Bắc Giang: 2.642 người; Hòa Bình: 887 người; Hà Giang: 176 người; Điện Biên: 115 người; TP.Đà Nẵng: 117 người; Khánh Hòa: 105 người; Gia Lai: 200 người; TP.HCM: 916 người; Bà Rịa-Vũng Tàu: 87 người; Bình Dương: 398 người; Long An: 244 người.
(Nguồn: Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia)
|
Trong khi đó, bản chất “hộ chiếu vắc xin” là chứng nhận người đã được tiêm chủng đầy đủ và có thể di chuyển từ nước mình sang quốc gia khác. Cho nên, “hộ chiếu vắc xin” vẫn còn là một vấn đề đang được thảo luận trên thế giới do đòi hỏi các nước phải đạt tỷ lệ tiêm chủng cao để có được miễn dịch cộng đồng và chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vắc xin đối với sự biến chủng của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin” trong tương lai và chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Y tế làm việc với Cơ quan Đầu mối y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng “hộ chiếu vắc xin” phù hợp khi đủ điều kiện.
Bình luận (0)