Cuộc lột xác của không quân Singapore

Văn Khoa
Văn Khoa
16/01/2019 16:00 GMT+7

Chỉ có 2 chiếc máy bay thuê khi mới thành lập nhưng hơn 50 năm sau, không quân Singapore trở thành lực lượng tiên tiến nhất khu vực.

Theo chuyên trang thông tin quân sự AIN, Bộ Quốc phòng Singapore sẽ sớm thông báo quyết định chọn mua chiến đấu cơ thế hệ mới để thay thế 60 tiêm kích F-16 “đang lão hóa”. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen chưa hé lộ về quy trình lựa chọn nhưng cho hay: “Trên thị trường hiện nay có nhiều loại để xem xét như F-35, Eurofighter Typhoon hay Rafale”.
Trong khi đó, Đài Channel News Asia dẫn lời giới quan sát đánh giá chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 là ứng viên số 1 của không quân Singapore (RSAF) vì nước này nằm trong danh sách các đối tác được ưu tiên xem xét bán F-35 của Mỹ. Ngoài ra, kể từ năm 1998, phi công RSAF luôn tập huấn tại căn cứ không quân Luke ở bang Arizona, nơi đóng trú của đơn vị huấn luyện F-35 thuộc không quân Mỹ. Bản thân Bộ trưởng Ng cùng nhiều sĩ quan RSAF nhiều lần được phía Mỹ giới thiệu về F-35 trong các chuyến thăm căn cứ Luke. Theo các chuyên gia, với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và đáp thẳng đứng, chiến đấu cơ này rất phù hợp với đặc điểm thiếu đất và không có nhiều căn cứ không quân của Singapore.
Kế hoạch trang bị chiến đấu cơ thế hệ mới sẽ tiếp tục giúp RSAF giữ vững vị trí lực lượng không quân được trang bị tốt nhất ở Đông Nam Á, theo chuyên san Defense Review Asia. Khi mới thành lập năm 1968, RSAF chỉ có 2 máy bay Cessna 172 H thuê từ Câu lạc bộ bay Singapore nhưng đến nay đang sở hữu tổng cộng gần 240 máy bay và trực thăng. Trong đó có 100 chiến đấu cơ do Mỹ chế tạo, gồm 40 chiếc F-15SG và 60 chiếc F-16. Năm 2015, RSAF ký hợp đồng trị giá 914 triệu USD (hơn 21.000 tỉ đồng) với Tập đoàn Lockheed Martin để nâng cấp F-16, giúp tiêm kích này có thể hoạt động tới sau năm 2025 trong lúc chờ chiến đấu cơ mới.
Bên cạnh đó, Singapore còn sở hữu 10 máy bay tiếp nhiên liệu, gồm Boeing KC-135, KC-130 Hercules và Airbus A330 MRTT, giúp RSAF trở thành lực lượng không quân đầu tiên ở Đông Nam Á có khả năng tiếp liệu trên không và mở rộng đáng kể tầm hoạt động của máy bay. Về trực thăng, RSAF vận hành 17 trực thăng tấn công AH-64 Apache do Mỹ chế tạo. Hiện Bộ Quốc phòng đang tiến hành kế hoạch nâng cấp AH-64 Apache với hệ thống tác chiến điện tử tích hợp tối tân.
Ngoài ra, theo Defense Review Asia, RSAF đang triển khai hệ thống phòng không lắp đặt trên bộ (GBAD) dày đặc nhất trong khu vực, chủ yếu sử dụng tên lửa MIM-23B I-Hawk của Mỹ với tầm bắn 40 - 50 km. Chưa hết, năm 2013, Singapore thông báo đặt mua tên lửa đất đối không Aster 30 do Pháp và Ý hợp tác sản xuất, với tầm bắn 70 km. Tuy Bộ Quốc phòng không cung cấp chi tiết nhưng báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) cho thấy Singapore đặt mua 2 hệ thống Aster 30 với 200 tên lửa và đã nhận hệ thống đầu tiên cùng 100 quả vào cuối năm 2017. Mới đây, giới chức RSAF tiết lộ Aster 30 đang được thử nghiệm và tích hợp vào hệ thống phòng không đảo (IAD) của nước này. IAD là hệ thống phòng thủ đa tầng, gồm các bộ cảm biến, radar, hệ thống vũ khí, đơn vị kiểm soát và chỉ huy giúp nâng cao khả năng phát hiện và ứng phó các mối đe dọa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.