Đặc phái viên Tổng thống Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

04/11/2019 13:01 GMT+7

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien lên án những hành động dọa dẫm của Trung Quốc ở Biển Đông, tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Thái Lan ngày 4.11, ông O'Brien, được Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ định là đặc phái viên tham gia hội nghị, cho biết: “Bắc Kinh dùng biện pháp dọa dẫm để ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn họ tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá 2,5 nghìn tỉ USD ở Biển Đông”.
Ông O'Brien  cho rằng các quốc gia Đông Nam Á không có bất kỳ lợi ích gì trong cái mà ông gọi là “thời đại vương triều mới, nơi nước lớn có thể cai trị nước bé theo lý thuyết mà họ tự cho là đúng”.
Ông O'Brien đồng thời đọc thông điệp của Tổng thống Trump, theo đó chủ nhân Nhà Trắng gửi lời mời các lãnh đạo ASEAN đến Mỹ tham dự “một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt” trong quý I năm 2020, theo Reuters.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tuần rồi tiếp tục chỉ trích hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Washington đã quá “dễ dãi” với Bắc Kinh.
Tổng thống Trump không tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan (31.10 - 4.11) tại Thái Lan, và đây là năm thứ hai liên tiếp ông Trump không dự các sự kiện này.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 3.11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề nghị lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2021. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ASEAN dựa trên sự đồng thuận đã đạt được trước đây để thúc đẩy bước tiến mới trong COC theo khung thời gian 3 năm nhằm duy trì ổn định và hòa bình lâu dài ở Biển Đông”, Thủ tướng Lý nhấn mạnh.
Trung Quốc bị chỉ trích là cố tình trì hoãn tiến trình đàm phán hướng đến COC kể từ năm 2013 nhằm tăng cường hoạt động bồi đắp phi pháp các thực thể thành đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc hồi năm 2018 từng đề xuất hoàn tất COC vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao vẫn chưa nhất trí về một số vấn đề liên quan đến COC, nhất là liệu bộ quy tắc ứng xử này có mang tính ràng buộc pháp lý hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.