Lãnh đạo Quốc dân đảng, bà Hồng Tú Trụ đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ ngày hôm qua 31.10 và hôm nay 1.11 sẽ có buổi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Hồng Tú Trụ hôm qua đã đến Nam Kinh để viếng đền thờ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, người tham gia tiến hành cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh, lập ra Trung Hoa dân quốc, và là cha đẻ chủ nghĩa Tam dân. Tại đây, lãnh đạo Quốc dân đảng đề cập đến “thoả thuận năm 1992” và kêu gọi duy trì hoà bình ở hai bờ eo biển, theo China Post.
Báo Taipei Times cho rằng phát biểu bà Hồng Tú Trụ thể hiện ý định muốn ký hiệp ước hoà bình với Bắc Kinh trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân.
Sau phát biểu của bà Hồng, Đài Bắc đưa ra tuyên bố rằng vấn đề ở hai bờ eo biển Đài Loan liên quan đến cơ quan công quyền, và chỉ có chính quyền của mỗi bên mới có quyền quyết định chính sách liên quan đến hai bờ eo biển.
Đảng cầm quyền Dân tiến (DPP) yêu cầu lãnh đạo Quốc dân đảng không vượt qua giới hạn “làn ranh đỏ” trong quan hệ với Trung Quốc bằng việc đưa ra đề nghị ký kết thoả thuận chính trị.
“Không đảng chính trị nào ở Đài Loan được quyền đàm phán hiệp ước quốc tế, nhất là khi Quốc dân đảng không phải là đảng cầm quyền”, Yeh Yi-jin, nghị sĩ của DPP phát biểu.
Ông Wu Ping-jui, một lãnh đạo khác của DPP nói thêm rằng theo một thoả thuận giữa lãnh thổ Đài Loan và đại lục, các cá nhân và tổ chức của Đài Loan đều bị cấm thực hiện đàm phán chính trị với Trung Quốc trừ phi được phép của chính quyền Đài Loan.
|
Kể từ sau năm 2005, lần đầu tiên ông Liên Chiến - lãnh đạo của Quốc dân đảng gặp gỡ cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, Quốc dân đảng và đảng Cộng sản Trung Quốc hàng năm đều tổ chức cuộc gặp dành cho các nhà lãnh đạo. Cuộc gặp được tiến hành dựa trên khuôn khổ của “đồng thuận năm 1992”, theo Taipei Times.
Trong các cuộc họp riêng biệt của các lãnh đạo Quốc dân đảng với ông Tập Cận Bình, cựu chủ tịch Wu Po-hsiung tái khẳng định "đồng thuận 1992" và tuyên bố không ủng hộ độc lập đối với Đài Loan. Trong khi cựu chủ tịch khác của đảng này, ông Eric Chu kêu gọi tăng cường hợp tác song phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên "đồng thuận 1992".
Khác với Quốc dân đảng, đảng cầm quyền Dân tiến không công nhận “đồng thuận 1992” cũng như từ chối thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Lãnh đạo Thái Anh Văn kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.2016 thường có những tuyên bố muốn tách Đài Loan khỏi đại lục, điều này làm Bắc Kinh giận dữ.
Bình luận (0)