Bà Thái Anh Văn khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 4.10 nói rằng Đài Bắc có lập trường rõ ràng, bên cạnh việc sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhưng đồng thời không nhượng bộ, không chấp nhận cúi đầu trước Bắc Kinh và đi theo đường lối tách khỏi sự phụ thuộc vào đại lục cả về kinh tế và chính trị.
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Hội đồng nhà nước Trung Quốc, ông An Phong Sơn ngày 6.10 tỏ ra gay gắt với phát biểu của bà Thái Anh Văn, nói rằng Đài Loan thuộc Trung Quốc, và khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ luôn vững chắc.
"Quan điểm của chúng tôi là kiên định, không chấp nhận bất kỳ hoạt động đòi ‘độc lập' nào cho Đài Loan. Không một lực lượng và người nào có thể xem thường quyết định của hơn 1,3 tỉ người ở đại lục", ông An Phong Sơn phát biểu, theo Tân Hoa xã.
Ông An Phong Sơn còn thúc giục Đài Bắc tôn trọng Đồng thuận năm 1992, nói rằng nguyên tắc “một Trung Quốc” là không thể lay chuyển.
Mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trở nên xấu đi từ khi bà Thái Anh Văn nắm quyền lãnh đạo Đài Loan hồi tháng 5.2016. Bà Thái từ chối công nhận Đồng thuận 1992 được Trung Quốc và Đài Loan ký kết theo đó chỉ công nhận “một Trung Quốc”. Tuy nhiên, thoả thuận này được Trung Quốc và Đài Loan diễn giải theo những cách khác nhau.
Phát biểu trên tờ Wall Street Journal, bà Thái Anh Văn nói rằng “đại lục gây áp lực và chia rẽ xã hội Đài Loan” bằng những chính sách ngoại giao cô lập và cả chính sách kinh tế nhằm gây khó khăn cho Đài Loan.
|
Ông Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại đại học Tamkang của Đài Loan, nói rằng Đài Bắc đang bị Bắc Kinh tìm mọi cách để ngăn không cho lãnh thổ này tham gia vào các diễn đàn quốc tế. Vừa qua Đài Loan bị từ chối tham gia vào hai tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc là Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì “vấn đề đã bị chính trị hoá”, ông Huang nói, theo South China Morning Post.
Theo ông Huang, bà Thái Anh Văn đang kìm chế trước những thách thức của Bắc Kinh và không muốn quay lại con đường “đối đầu” vì bà muốn khẳng định với quốc tế, kể cả đồng minh Mỹ, rằng Đài Loan không phải là “kẻ chuyên gây rắc rối".
Trong khi đó, ông Hu Benliang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, chỉ trích bà Thái Anh Văn “mâu thuẫn" trong cách tiếp cận đối với quan hệ ở hai bờ eo biển.
"Mặc dù bà ấy nói muốn duy trì đối thoại với đại lục nhưng lại không thừa nhận Đồng thuận 1992, và trốn tránh trách nhiệm. Bây giờ đại lục đang có lợi thế áp đảo đối với Đài Loan và kiểm soát được sự tham gia của Đài Loan trong các diễn đàn quốc tế", ông Hu nhận xét.
Bình luận (0)