Đại Trung Đông sau 20 năm biến động

Ngọc Mai
Ngọc Mai
12/09/2021 07:30 GMT+7

Dù có nhiều biến chuyển nhưng khu vực đại Trung Đông vẫn đang đứng trước thách thức cam go, bị bủa vây bởi xung đột và tranh giành ảnh hưởng.

Ngày cuối cùng của tháng 8 vừa qua, Mỹ chính thức rút hết quân khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến dài 20 năm ở nước này. Không lâu trước đó, Tổng thống Joe Biden đạt thỏa thuận với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi để quân đội Mỹ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq vào cuối năm 2021, cũng là khép lại hơn 18 năm đổ quân vào Baghdad.
Từng bước triệt thoái quân đội khỏi 2 chiến trường trên đánh dấu bước chuyển lớn về chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông mở rộng, hay vùng đại Trung Đông vốn là sản phẩm của chính quyền Tổng thống George.W.Bush sau sự kiện khủng bố 11.9.2001.

Xung đột và bất ổn

Trong vòng 20 năm qua, đại Trung Đông rộng lớn, bao gồm thế giới Ả Rập cận đông, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan là một bức tranh đầy hỗn loạn, từ các cuộc chiến đẫm máu, sự can thiệp của các nước bên ngoài, làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”, cho đến sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố cực đoan. Có nhiều lý do để luận giải cho những biến động đó, nhưng đến nay chưa ai dám đảm bảo vùng đất này sẽ hòa bình và ổn định.

Al-Qaeda ở đâu 20 năm sau vụ khủng bố 11.9?

Cuộc khủng hoảng nước

Thiếu nước ngọt đang dần trở thành nguyên nhân gây bất ổn ở Trung Đông. Ai Cập hồi tháng 7 tuyên bố bất cứ hành động nào làm giảm nguồn cung nước ngọt đối với nước này đều là “giới hạn đỏ”. Tình trạng khan hiếm nước cũng tạo ra căng thẳng ở Iran, với các cuộc biểu tình phản đối của người dân tại tỉnh Khuzestan. Lo ngại tình trạng này lan sang Iraq, giới chức Baghdad đổ lỗi cho các nước láng giềng. Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tuân thủ các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước ngọt với Iraq. Chính phủ Israel mới đây ưu tiên cho việc đặt lại quan hệ với Jordan mà điểm mấu chốt chính là vấn đề nguồn nước, theo trang Al-Monitor.
Mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau chừng ấy năm bị truy lùng, vẫn còn nhiều chân rết rải khắp Trung Đông. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - từng là một nhánh của al-Qaeda sau khi tách ra vào năm 2014 đã gieo rắc đau thương ở Iraq và Syria với các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng. IS tuy mới nhưng lại trỗi dậy dữ dội với tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi phạm vi khu vực, nhanh chóng trở thành mối đe dọa khủng bố lớn nhất.

IS đã gieo rắt đau thương ở nhiều nước

Ảnh: Reuters

Mặc dù IS đã bị đánh đến suy tàn nhưng các nhóm nhỏ của tổ chức này vẫn âm thầm hoạt động. Mới đây nhất, ngay trong những ngày Mỹ di tản khỏi Afghanistan, ISIS-K (một nhánh của IS) đã tiến hành vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul, làm hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Đây cũng là tổn thất lớn nhất về nhân mạng của quân đội Mỹ trong vòng 10 năm qua tại khu vực.
Trong khi đó, Yemen xung đột chưa hồi kết giữa phe ủng hộ chính phủ và lực lượng Houthi từ năm 2014 đến nay. Chỉ tính riêng ngày 8.9, gần 80 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ác liệt giữa hai lực lượng này tại tỉnh Marib.
Đại Trung Đông cũng chưa bao giờ ngừng căng thẳng vì những khác biệt về văn hóa và tôn giáo, giữa Hồi giáo và Do Thái giáo, giữa Hồi giáo dòng này với Hồi giáo dòng kia. Xung đột Israel - Palestine là vấn đề nhạy cảm và khó xử. Dải Gaza, bờ Tây luôn chực chờ khói lửa và lệnh ngừng bắn sau 11 ngày ác liệt hồi tháng 5 vẫn chỉ là sự ổn định mong manh.

Những tín hiệu định hình thời mới

Dẫu vậy, cục diện đại Trung Đông không hẳn hoàn toàn u tối. Cái bắt tay bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một loạt nước Ả Rập vào năm 2020 là dấu mốc lịch sử. Palestine phản đối bước đi này, nhưng nhiều nước hoan nghênh, cho đây là sự khởi đầu chương mới về hòa bình Trung Đông, và cho thấy xu hướng hợp tác đang được thúc đẩy.
Câu chuyện của Iraq cũng đáng lưu tâm khi nước này làm chủ nhà hội nghị hợp tác và đối tác Baghdad cuối tháng 8 với sự tham dự của lãnh đạo và các nhà ngoại giao hàng đầu ở Trung Đông, bên cạnh đại biểu từ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, các thành viên thường trực HĐBA LHQ, G20 và EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự với vai trò đồng chủ trì đã mô tả đây là cuộc gặp lịch sử, cho thấy sự ổn định trở lại của Iraq sau cuộc chiến chống IS, trong khi giới quan sát đánh giá Iraq đang dần trở thành nhân tố quan trọng đứng lên từ chiến trường đau thương. Nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy đối thoại và hướng tới ổn định Trung Đông đã được đặt ra trong hội nghị này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm TP.Mosul, từng là thành trì của IS ở Iraq

Ảnh: Reuters

Một điểm nóng khác tại Trung Đông là Iran cũng có vài tia sáng hy vọng khi cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các nước phương Tây được nối lại. Dù còn rất nhiều khác biệt và mặc cả, nhưng với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố đối thoại để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đã là tín hiệu tích cực.

Cạnh tranh chiến lược

Giữa bức tranh ấy, các nhân tố chi phối lại có cả bên trong lẫn bên ngoài. Vai trò của Mỹ có phần suy giảm, nhưng vẫn là nhân tố quan trọng trong nhiều vấn đề của đại Trung Đông, đặc biệt với Iran và xung đột Israel - Palestine. Trong khi đó, Nga duy trì tầm ảnh hưởng lớn với nhiều nước trong khu vực.
Khi đánh giá việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, và sắp tới là Iraq, nhiều chuyên gia đã nói về khoảng trống quyền lực và cho rằng Trung Quốc, Nga sẽ nhanh chóng nhảy vào để lấp đầy. Nếu Trung Quốc là nước lớn đầu tiên hoan nghênh chính phủ mới do Taliban thành lập, đồng thời công bố gói viện trợ 31 triệu USD cho Afghanistan, thì Nga dù thận trọng trong các tuyên bố lập trường với Taliban cũng đã nhanh chóng thực hiện các bước đi ngoại giao mới.
Theo giới quan sát, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng ở đại Trung Đông một phần vì lợi ích địa kinh tế, trong khi Nga thể hiện mục tiêu khá rõ trong việc trở lại trung tâm bàn cờ địa chính trị khu vực. Nga đã chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt cuộc chơi tại Syria, cũng như trong quan hệ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh đạo 3 nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga trong cuộc hội đàm hồi năm 2020

Ảnh: Reuters

Nga vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia theo Hồi giáo dòng Shi’ite, lại vừa đàm phán trực tiếp với các nước vùng Vịnh theo Hồi giáo dòng Sunni. Điện Kremlin có đường dây liên lạc riêng với Israel, đồng thời thúc đẩy quan hệ với Palestine.
Cạnh tranh ở đại Trung Đông còn là câu chuyện đối đầu Israel - Iran, của sự tranh giành vị trí số 1 trong nội bộ thế giới Ả Rập. Với những đan xen phức tạp đó, khu vực này vẫn sẽ là điểm nóng trong thời gian tới trên thực địa lẫn trong tính toán của các bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.