Tại các bệnh viện công của Trung Quốc, các chi phí như phí xét nghiệm và sinh nở thường sẽ được bảo hiểm nhà nước chi trả. Tuy nhiên, dân số quá đông mà nguồn lực ở bệnh viện công eo hẹp khiến nhiều phụ nữ nước này phải chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân, theo Reuters.
Một lần sinh nở, chi phí ở cơ sở tư nhân có thể tốn tới hơn 100.000 nhân dân tệ (hơn 360 triệu đồng). Các gia đình khá giả còn thuê thêm người chăm sóc mẹ và bé tại nhà trong tháng đầu ở cữ, với mức khoảng 15.000 nhân dân tệ. Có những gia đình còn tìm đến trung tâm chăm sóc sau sinh với dịch vụ ở mức đắt đỏ. Chẳng hạn, một trung tâm như vậy tại quận Vương Phủ Tỉnh ở thủ đô Bắc Kinh sẽ thu của các bà mẹ mỗi tháng 150.000 – 350.000 nhân dân tệ.
Qua giai đoạn đó, trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa bột nhập khẩu từ Úc và New Zealand. Các gia đình khá giả sau đó gửi con tới các trung tâm giáo dục cho trẻ nhỏ. Những ông bố bà mẹ có điều kiện còn tìm mua nhà ở những quận có trường học tốt như quận Hải Điến (Bắc Kinh), với giá không dưới 90.000 nhân dân tệ một mét vuông, tương đương giá trung bình ở Manhattan (trung tâm thành phố New York, Mỹ).
Đến khi đi học cũng chẳng dễ dàng. Nếu bị giới hạn các quy định về cư trú, con cái họ không được học trường công thì sẽ phải tìm tới trường tư, với mức phí giao động từ 40.000-250.000 mỗi năm. Chưa kể, nhiều gia đình còn đầu tư cho đứa con duy nhất của họ học gia sư riêng, tham gia học các khóa piano, cờ hay múa.
Theo Reuters, nuôi dạy trẻ con ở Trung Quốc có mức độ cạnh tranh khốc liệt, tới mức có một thuật ngữ phổ biến là jiwa hay “trẻ gà”. Theo đó, các bậc cha mẹ bắt con mình học đủ thứ lớp ngoại khóa.
Để giảm áp lực đối với trẻ và thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh thông qua việc giảm chi phí giáo dục cho gia đình, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm vốn bùng nổ ở nước này.
Theo báo cáo năm 2019 của Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, trung bình một gia đình sống ở quận Tĩnh An (Thượng Hải) phải chi tới 840.000 nhân dân tệ (hơn 3 tỉ đồng) lo cho một đứa con từ khi sinh ra đến lúc học hết cấp hai (thường là 15 tuổi), trong đó 510.000 nhân dân tệ là tiền học hành.
Cũng theo báo cáo, những gia đình thu nhập thấp tại quận Tĩnh An và Mẫn Hàng dành hơn 70% thu nhập cho một đứa con của họ, trong khi thu nhập mỗi năm dưới 50.000 nhân dân tệ.
Gánh nặng tài chính từ việc sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái quá lớn, giá nhà đất đắt đỏ, cạnh tranh giáo dục khốc liệt là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ Trung Quốc không muốn sinh con.
Hôm 31.5, Trung Quốc thông qua chính sách mới cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh tới ba con, nhằm khuyến khích các gia đình trẻ sinh thêm con. Nhưng giới quan sát cho rằng người trẻ Trung Quốc hiện không mặn mà với chính sách này và họ cần thêm những giải pháp đồng bộ khác để hỗ trợ về tinh thần lẫn tài chính.
Bình luận (0)