Ngày 19.3, Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom ra lệnh mọi công dân của tiểu bang này đều phải ở nhà, sau khi cảnh báo có đến 56% số dân, tức khoảng 25,5 triệu người, đối diện nguy cơ nhiễm vi rút gây Covid-19 trong 8 tuần nữa.
Không quá lo lắng
Califonia là tiểu bang tập trung người Việt đông nhất tại Mỹ. Anh Phan Ngọc Thạch, chủ tiệm nail ở Los Angeles (Califonia), cho hay anh buộc phải đóng cửa tiệm trong tuần và tổn thất chi phí không nhỏ. “Ai ra đường mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt”, anh Thạch cho biết. Gia đình anh cũng đã trữ lương thực, đồ dùng thiết yếu dùng trong vài tuần.
Còn ông Charles Nguyễn ở San Jose, một trong những thành phố đầu tiên của California bị phong tỏa hoàn toàn, không quá lo lắng về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, khi hỏi về các gói cứu trợ vừa được chính phủ thông qua, trong đó có séc tiền mặt cấp cho các công dân, ông tỏ ra thận trọng.
“Tôi không lạc quan vì đã ở đây quá lâu. Chính sách nhìn chung thì tốt, nhưng khi triển khai thực tế thường phức tạp, vì chính quyền sẽ xem xét tình trạng tài chính của mỗi người, có đóng thuế đàng hoàng hay không, để quyết định”, ông chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Ông B.N, một người Việt ở San Jose, thì giải thích kỹ hơn rằng đây không phải là lệnh phong tỏa hay giới nghiêm. Thay vào đó, lệnh “ở yên tại nhà” có nghĩa là mọi người được khuyến cáo hạn chế ra đường, chỉ đi khi thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, khám bệnh... nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Ông N. cho biết thêm những dịch vụ vẫn hoạt động bình thường là bệnh viện, phòng mạch, nhà thuốc, chợ, cửa hàng sửa xe, các công ty xây dựng. Nhà hàng vẫn mở cửa nhưng thu dọn bớt bàn ghế nhằm hạn chế số khách ngồi, tăng khoảng cách giữa các bàn ghế và chủ yếu là bán thức ăn mang đi hoặc giao tận nơi thay vì bán cho khách mua trực tiếp. Còn những dịch vụ vui chơi giải trí, sòng bạc... thì đóng cửa.
Nhu yếu phẩm đầy đủ
Theo ông N., các công ty vẫn hoạt động bình thường và đa số công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Dù vậy, họ cũng phải có những cuộc họp mỗi ngày qua mạng (dạng conference call), vài lần trong ngày để báo cáo tiến độ công việc cũng như kết quả làm việc.
Tuy nhiên, người làm sản xuất thành phẩm (production assembly) vẫn làm việc tại công ty. Tùy theo khả năng và tài chính, các công ty có những quyết định khác nhau về việc hỗ trợ tài chính cũng như cắt việc, cắt giờ làm. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người làm việc trong siêu thị, nhà hàng, bar, giải trí.
Người Việt ở California cùng các đồng nghiệp trước khi rời công ty về làm việc tại nhà theo lệnh “phong tỏa” CTV
|
Dù các siêu thị, chợ Việt ban đầu khan hiếm hàng hóa do nhiều người đổ xô đi mua sắm khoảng 7 - 10 ngày trước, song giờ đây mọi thứ trở lại bình thường, các nhu yếu phẩm cơ bản khá đầy đủ.
Chị Quyên Nguyễn ở TP.Chico (bang California) kể ở nơi chị, nhiều người phải bắt buộc đi làm những việc thiết yếu cho cộng đồng, đi chợ, hẹn gặp bác sĩ, mua xăng, lấy thuốc... mới ra ngoài đường. Những ai vi phạm lệnh “ở yên trong nhà” có thể phải nộp phạt tới 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) hoặc đối diện mức án tối đa 6 tháng tù.
Chưa có lệnh, người dân cũng “giới nghiêm”
Chị Mai Lan sống ở TP.Bel Air (bang Maryland, Mỹ) cho biết nơi chị hiện chưa áp đặt lệnh giới nghiêm, song nếu số ca mắc bệnh Covid-19 tại bang gia tăng trong thời gian tới, chính quyền có thể sẽ ban hành. Hiện trường học, nhà hàng, quán bar, phòng tập thể dục tạm thời đóng cửa.
Theo chị Lan, dù chưa có lệnh đóng cửa tiệm làm móng, song một số chủ tiệm đã tự giác đóng cửa để bảo vệ bản thân và nhân viên. Nhiều tiệm chưa đóng cửa vì chủ còn lo tiền thuê nhà, tiền thuê mặt bằng...
Tuy nhiên, khách đến làm móng cũng ít, ảnh hưởng đáng kể tới thu nhập của nhiều người Việt làm nghề nail. Theo chị Lan, hiện mọi người không ra đường, trừ những lúc thật sự cần thiết. Nhiều người ở đây ban đầu hơi lo lắng trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh vì họ rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi hầu như ai cũng có các khoản nợ mua nhà, xe hơi, trang thiết bị...
Thế nhưng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố nhiều biện pháp hỗ trợ người dân đối phó dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ USD, người dân bắt đầu cảm thấy yên lòng.
Không hoạt động, trường vẫn cấp bữa ăn cho học sinh
Theo một người Việt ở TP.Tacoma (bang Washington), chính quyền bang hiện chưa ban hành lệnh hạn chế đi lại dù Washington là “điểm nóng” về dịch Covid-19 tại Mỹ. Thư viện, rạp phim, các quán ăn, nhà hàng... đều đã đóng cửa và các sự kiện quy tụ hơn 10 người đã bị cấm tổ chức. Trường học tại đây ngưng hoạt động từ ngày 12.3 - 27.4. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cung cấp bữa ăn sáng và trưa cho học sinh, cho xe đưa đón học sinh giao tận nơi các phần ăn.
Chị cho biết theo thư thông báo, nhà trường sẽ giúp trông coi con cái của những phụ huynh làm trong ngành y tế hoặc phòng cháy chữa cháy trong giờ hành chính và việc này hoàn toàn miễn phí.
Chị Đan, sống tại vùng đô thị thủ đô Washington mở rộng, cho hay chị và các đồng nghiệp đã được làm việc tại nhà dù chính quyền chưa có lệnh giới nghiêm. Bản thân chị cũng đã mua dự phòng nhu yếu phẩm từ sớm. Hiện nay, ở khu chị sống thì người dân cũng hạn chế ra ngoài. Mỗi khi đến chỗ mua hàng nhu yếu phẩm, mọi người đều đứng cách xa nhau.
Những ngày qua, các nhà hàng hầu hết chỉ giao hàng đến tận nhà hoặc khách ghé nhà hàng lấy mang đi, chứ không phục vụ tại chỗ. Các hàng xóm của chị thì vẫn dắt chó đi dạo mỗi sáng và trẻ em vẫn đạp xe đạp ở khu xung quanh.
Lo thất nghiệp
Ở TP.Garden Grove (bang California), chính quyền kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân. Các công ty nếu được phép hoạt động phải gửi thư cho cảnh sát và vệ binh quốc gia để xác nhận có bao nhiêu nhân viên và công nhân đi làm.
“Cảnh sát và vệ binh quốc gia thường xuyên tuần tra trên đường. Chỉ những người có thư xác nhận của công ty mới được đi lại. Nếu cảnh sát dừng xe kiểm tra, người dân không có thư xác nhận thì người đó phạm tội nhẹ và phải hầu tòa”, cô Charlotte Nguyen cho biết.
Tuân thủ quy định về social distance (giữ khoảng cách cộng đồng) của chính phủ, công ty của cô Nguyen sắp xếp cho nhân viên nghỉ giải lao lệch nhau. Các nhân viên phải đảm bảo ngồi cách xa nhau 2 m trong phòng ăn và phòng thay đồ. Công ty còn dựng thêm lều tạm ở bãi đậu xe để công nhân có thêm không gian đảm bảo social distance.
“Người gốc Việt tại những khu vực bị phong tỏa bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bị thất nghiệp do công ty đóng cửa. May mắn là chính phủ hỗ trợ bằng cách cho phép người dân không phải đóng tiền lãi suất thẻ tín dụng và tiền lãi suất trả góp mua nhà nếu chứng minh được là công ty bị đóng cửa do lệnh phong tỏa vì Covid-19”, ông David Doan, ở San Francisco (California), cho hay.
Duy Phúc
|
Bình luận (0)