Đây là 2 nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam nhiễm bệnh kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam trong gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, đây cũng là 2 bệnh nhân đầu tiên Việt Nam ghi nhận mà chưa rõ nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
|
Tiền sử dịch tễ của 2 bệnh nhân này, theo thông tin từ Bộ Y tế thì không cho thấy rõ nguồn lây bệnh Covid-19. Cả 2 nữ điều dưỡng đều không tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
Thông tin của Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân số 86 (54 tuổi), là điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, đã đi nghỉ cùng gia đình tại Côn Đảo, theo hành trình Hà Nội - TP.HCM (chuyến bay VN 7209) và TP.HCM - Côn Đảo (VN 8059) vào ngày 6.3. Đây có lẽ là thời điểm được cơ quan chức năng “nghi ngờ” bệnh nhân số 86 này lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thứ 87, đồng nghiệp với bệnh nhân số 86, được cho là lây từ bệnh nhân thứ 86 do có nhiều lần tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 86.
Sau khi xác định 2 bệnh nhân này, 150 y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã phải cách ly. 13 người thân, người nhà của 2 bệnh nhân này cũng đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ngoài ra, 96 bệnh nhân là F2, có bệnh nền, đã được chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tất cả các bệnh nhân này đã được lấy mẫu xét nghiệm, bước đầu cho kết quả âm tính.
Sau khi xuất hiện 2 bệnh nhân này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã đề nghị lãnh đạo phường Phương Mai (quận Đống Đa) xem xét đóng toàn bộ các hàng ăn uống quanh Bệnh viện Bạch Mai.
Cùng với 2 bệnh nhân 86 và 87, tối qua, Bộ Y tế cũng công bố thêm 4 ca bệnh mới tại Việt Nam (các bệnh nhân thứ 88, 89, 90 và 91). Trong số này, có 3 bệnh nhân người Việt Nam trở về từ nước ngoài, một bệnh nhân quốc tịch Anh là phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Các bệnh nhân này đều đi trở về từ khu vực có dịch là các nước Anh, Mỹ và châu Âu. Cụ thể, bệnh nhân thứ 88 là du học sinh tại Anh. Bệnh nhân 89 quốc tịch Việt Nam, trở về từ Mỹ. Bệnh nhân 90, quốc tịch Việt Nam, trở về từ Tây Ban Nha. Bệnh nhân 91 là phi công cũng đến Việt Nam từ nước Anh.
Như vậy, ngoài 2 bệnh nhân số 86 và 87, các bệnh nhân tại Việt Nam tới thời điểm này đều có nguồn lây từ các quốc gia châu Âu (Anh, Pháp) và Mỹ.
Tính tới hôm nay, 21.3, trong tổng số 91 ca bệnh trong đó 75 ca bệnh mới kể từ 6.3, thì các bệnh nhân có nguồn lây nhiễm từ nước Anh (bệnh nhân trở về từ Anh hoặc lây nhiễm từ những bệnh nhân trở về từ Anh) là 40 bệnh nhân (chiếm tới hơn 50% số ca bệnh). Các ca bệnh có nguồn lây từ châu Âu và Mỹ cũng có tới 15 bệnh nhân.
|
Do các ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam chủ yếu là loại “xâm nhập”, các ca bệnh được ghi nhận trong những ngày gần đây đều tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Tới nay, Hà Nội đã ghi nhận 30 ca bệnh, nhiều nhất cả nước, còn TP.HCM cũng đã có 20 ca (đã phục hồi 3 ca trong giai đoạn 1). Tới nay, chúng ta vẫn chưa ghi nhận thêm các ca bệnh mới do lây nhiễm trong cộng đồng (kể từ ca bệnh số 65, ngày 17.3).
Một thông tin đáng lưu ý trong ngày 20.3 là bệnh nhân số 18 (du học sinh trở về từ vùng dịch của Hàn Quốc) đã khỏi bệnh và được xuất viện tại Ninh Bình. Bệnh nhân này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà ở Thái Bình sau khi xuất viện. Tình trạng các bệnh nhân khác vẫn ổn định.
Tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly
Chiều 20.3, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả người vào Việt Nam phải cách ly tập trung và sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp trốn cách ly.
Thủ tướng cho rằng, nguy cơ lây nhiễm rất cao khi có nhiều người nước ngoài vào Việt Nam, do đó, cần tập trung thảo luận nguồn lây nhiễm vào Việt Nam từ đâu để chúng ta xử lý cương quyết hơn, đưa ra biện pháp mạnh.
|
Đây là biện pháp quyết liệt hơn nhiều so với biện pháp được áp dụng chỉ vài ngày trước đó. Trước đó, Việt Nam chỉ thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, Anh, Bắc Ai-len, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc.
Các đối tượng khác không thuộc diện cách ly tập trung sẽ thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối tượng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tới thời điểm hiện tại, tổng số người đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trên cả nước là 36.050 (trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 25.140), nghĩa là chỉ khoảng 11.000 người đang được cách ly tập trung.
Bình luận (0)