Điểm nóng an ninh dưới lòng biển

13/01/2018 12:45 GMT+7

Bên cạnh tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh chiến lược hay chiến tranh mạng, hệ thống cáp quang dưới biển có thể trở thành điểm nóng an ninh mới của thế giới.

Trong báo cáo vừa công bố, nghị sĩ Anh Rishi Sunak dẫn số liệu từ Viện Chính sách Policy Exchange cho biết 97% liên lạc toàn cầu và các giao dịch tài chính trị giá 10.000 tỉ USD hằng ngày được truyền tải bởi hệ thống cáp internet và liên lạc dưới biển.
Tờ The Yorkshire Post dẫn lời ông nhấn mạnh dù vệ tinh viễn thông hiện diện ngày càng dày đặc trên quỹ đạo trái đất nhưng cáp quang vẫn đóng vai trò sống còn đối với đời sống hiện đại và nền kinh tế kỹ thuật số của thế giới. Điều đáng quan ngại là hệ thống này không được bảo vệ đầy đủ nên có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro, từ động đất, cá mập cắn cho đến do thám và phá hoại. Do phải công khai thông tin để tàu cá tránh né nên vị trí chính xác của cáp quang có thể dễ dàng được tìm thấy trên internet.
“Trong viễn cảnh xấu nhất, một cuộc tấn công tổng lực vào cơ sở hạ tầng cáp dưới biển sẽ dẫn đến mất kết nối toàn bộ và đó là thảm họa không thể đo đếm cho nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta. Thậm chí hành động phá hoại có giới hạn cũng có thể gây ra gián đoạn kinh tế nghiêm trọng”, tờ Asia Times dẫn lời cựu Tư lệnh tối cao NATO James Stavridis cảnh báo.
Theo ông, ngoài thợ lặn, những khí tài có thể được sử dụng cho việc do thám, tấn công cáp quang gồm tàu ngầm, tàu chuyên dụng ngụy trang như tàu dân sự, và thiết bị lặn điều khiển từ xa.
Hiện NATO rất lo ngại các hoạt động của tàu ngầm Nga gần các tuyến cáp dưới lòng Đại Tây Dương. “Chúng ta đang chứng kiến Nga gia tăng hoạt động của tàu ngầm ở mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh. Nước này rõ ràng đang chú ý đến cơ sở hạ tầng dưới đáy biển của các nước thành viên NATO”, tờ The Washington Post dẫn lời chỉ huy lực lượng tàu ngầm NATO Andrew Lennon nói.
Theo các nguồn tin quân sự, hải quân Nga đang triển khai một tàu do thám hiện đại mang tên Yantar, chở theo 2 tàu ngầm chuyên “cắt cáp, gài thiết bị nghe lén vào hệ thống cáp hoặc gỡ bỏ thiết bị do thám của nước khác”. Mỹ cũng không hề kém cạnh khi trên thực tế từng cài thiết bị nghe lén tuyến cáp ngầm liên lạc của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk trong thời Chiến tranh lạnh.
Mới đây, tàu ngầm USS Jimmy Carter vừa trở về căn cứ tại bang Washington sau một thời gian dài hoạt động trên biển. Nội dung, địa điểm và thời gian cụ thể của sứ mệnh này đều được giữ tuyệt mật, và nhiều chuyên gia suy đoán rất có thể nhiệm vụ của con tàu là cài đặt hoặc gỡ thiết bị nghe lén trên các dây cáp dưới biển.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, từ biển Hoa Đông, Biển Đông đến eo Malacca dày đặc cáp quang kết nối những quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực, trong đó có các trung tâm công nghệ, tài chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…
Tuy chưa có bằng chứng rõ rệt về hoạt động đáng quan ngại liên quan đến hệ thống cáp ở đây, nhưng tờ Asia Times dẫn lời giới quan sát cho rằng Trung Quốc khó mà ngồi yên khi những cường quốc khác như Nga và Mỹ đã có chuyển động. Đô đốc Stavridis lưu ý thêm rằng không như những bên khác, Trung Quốc ít khi sử dụng tàu quân sự mà thường dùng tàu “dân sự” hoặc “nghiên cứu khoa học” để tiến hành các hoạt động không được công khai trên biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.