Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài: Chuyên gia cho rằng tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đã sẵn sàng tới Biển Đông để ngăn chặn “những kẻ gây rối”.
Bài báo trên dẫn lời một số người, được gọi là chuyên gia, cho rằng đoạn video mà Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải hồi đầu tuần cho thấy tàu Sơn Đông sẵn sàng đến những khu vực rộng lớn để “nâng cao năng lực chiến đấu”.
Sẵn sàng chiến đấu?
Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự đóng, dựa trên nền tảng của chiếc Liêu Ninh mà nước này mua tàu cũ từ Ukraine rồi sửa chữa lại. Tháng 12.2019, tàu Sơn Đông được biên chế cho lực lượng hải quân thuộc Chiến khu nam bộ của Trung Quốc. Đây là lực lượng hoạt động ở khu vực Biển Đông. Tàu Sơn Đông có “cảng nhà” nằm ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam.
Đoạn video do CCTV đăng tải cho thấy cảnh máy bay tiêm kích J-15 cất cánh và hạ cánh trên tàu Sơn Đông, máy bay trực thăng đa nhiệm Z-9S cũng xuất hiện trong video này.
|
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia tên Li Jie của Trung Quốc cho rằng đoạn video trên cho thấy tàu Sơn Đông đã đạt được năng lực chiến đấu cơ bản chỉ sau một năm biên chế cho hải quân Trung Quốc. Việc tàu chiến này tập trận bắn đạn thật được thể hiện trên việc xây dựng 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc không chỉ là “khái niệm”.
Qua đó, chuyên gia Li Jie cho rằng nên cử tàu Sơn Đông xuống phía nam, tức Biển Đông, để thực hiện “răn đe hiệu quả” nhằm “ổn định tình hình”.
Thực hư sức mạnh?
Tuy nhiên, xem lại đoạn video do CCTV đăng tải về tàu sân bay Sơn Đông thì cái gọi là tập trận bắn đạn thật chỉ là khai hỏa tên lửa đối không tầm ngắn HQ-10.
Về năng lực quan trọng của tàu sân bay là việc triển khai máy bay chiến đấu để tác chiến thì chưa thể hiện rõ ràng. Cụ thể, theo đoạn video trên, các máy bay J-15 vẫn không mang theo tên lửa khi cất và hạ cánh trên tàu Sơn Đông.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng J-15 vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục khi tổ chức tác chiến cùng tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông.
Nguyên nhân, theo TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) trả lời Thanh Niên, là dòng máy bay J-15 quá nặng để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, trong khi cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đều không được tích hợp bộ phóng đẩy máy bay. Vì thế, máy bay J-15 khi cất cánh trên tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông đều không có hệ thống đẩy trợ giúp.
Thế nhưng, J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, còn máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có tổng trọng tải tối đa khi cất cánh là 23 tấn. Trong khi đó, không chỉ được trang bị bộ phóng máy bay, tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của Mỹ đều có độ choán nước trên 100.000 tấn và dài hơn 330 m, tức lớn và dài hơn nhiều so với độ choán nước khoảng 70.000 tấn và chiều dài lần lượt 300, 315 m của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
So sánh với tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant cũng không có bộ đẩy máy bay và có độ choán nước tương đương tàu Sơn Đông, thì INS Vikrant dùng chiến đấu cơ Mig 29 có tổng trọng tải khi cất cánh chỉ 18 tấn, chỉ bằng 55% so với J-15.
Từ nhược điểm vừa nêu, theo TS Satoru Nagao, J-15 muốn cất cánh dễ dàng trên tàu sân bay Sơn Đông thì buộc phải mang theo ít vũ khí lẫn nhiên liệu, dẫn đến khả năng tác chiến bị giảm đáng kể, cả về hỏa lực lẫn tầm tác chiến.
|
Thực tế, theo đoạn video mà CCTV thì máy bay J-15 vẫn không mang theo tên lửa khi cất hạ cánh, nên khả năng nhược điểm vẫn chưa được khắc phục. Cho nên, khả năng tác chiến của tàu sân bay Sơn Đông khó đạt hiệu quả cao.
Bình luận (0)