Theo trang Stream News, sinh viên giàu có Trung Quốc du học tại Anh, Mỹ thường lui tới các cửa hàng hiệu tại London, hay mua sắm trên các con phố thời trang đắt đỏ ở Los Angeles - nơi lui tới của các ngôi sao Hollywood.
Ở bờ đông nước Mỹ, những sinh viên Trung Quốc theo học tại New York thường thuê các căn hộ xa hoa trên Đại lộ 5 và mua mọi thứ tại các cửa hàng sang trọng bên dưới.
Tại các khu mua sắm dành cho giới nhà giàu ở Melbourne (Úc), Paris (Pháp) và Vancouver (Canada) cũng không thiếu bóng dáng sinh viên Trung Quốc. Ở đây, giá thuê nhà tăng vọt song vẫn được nhiều sinh viên Trung Quốc chọn thuê ở.
37.000 USD/năm để tiêu vặt
Melody Yeh, đồng sáng lập của Emerging Communications, công ty nghiên cứu thị trường bán lẻ Trung Quốc có trụ sở tại London cho biết: “Đây là những khách hàng tiềm năng. Họ chi tiêu rất mạnh tay vì đều xuất thân từ gia đình giàu có ở Trung Quốc. Chúng tôi tính toán tiền chi tiêu cá nhân mỗi năm của một sinh viên Trung Quốc tại Anh là 28.236 bảng (37.000 USD; 850 triệu đồng). Đó là chưa kể tiền thuê nhà hay hóa đơn sinh hoạt. Hơn nữa hằng năm, mỗi sinh viên Trung Quốc đón ít nhất 3 người thân từ Trung Quốc và họ sẽ lại đi mua sắm. Vì vậy, các thương hiệu bán lẻ rất muốn thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng này”.
Đơn cử là trường hợp của Diêu Anna (Annabel Yao), con gái nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, vừa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Harvard (Mỹ), theo tờ Daily Mail.
Cô gái 23 tuổi thỉnh thoảng đi lại giữa Anh, Hồng Kông và Thượng Hải. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Diêu đi du lịch khắp thế giới và chỉ mặc đồ hiệu như Dior, Louis Vuitton và Saint Laurent.
Hay như Vương Tư Thông, con trai của tỉ phú Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Công tử họ Vương thời còn học tại London nổi tiếng “chịu chơi” khi mua chiếc Apple Watch cho chó cưng và sống trong căn hộ trị giá 80 triệu bảng ở khu phố thượng lưu Kensington tại London.
Định hình thị trường xa xỉ phương Tây
Dòng sinh viên Trung Quốc đổ vào các thành phố châu Âu và châu Mỹ tạo ra một ngành công nghiệp ở phương Tây chỉ nhằm tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho họ. Nhiều trang web được tạo ra và sử dụng chủ yếu tiếng Hoa để tư vấn du học sinh Trung Quốc những thiên đường mua sắm.
|
Bên cạnh đó, sinh viên Trung Quốc cũng có thể là nhà tiếp thị “vô điều kiện” cho các thương hiệu châu Âu và Mỹ tại Trung Quốc thông qua các kênh truyền thông xã hội.
Theo bà Yeh, các hãng chỉ cần nhắm vào các đối tượng này thì có thể thu hút lượng lớn khách hàng ở Trung Quốc.
Chẳng hạn, Đào Lượng được biết đến là Mr Bags vào năm 2012, khi anh còn là sinh viên ở New York. Tài khoản Weibo của anh có hơn 3,5 triệu người theo dõi và trên WeChat là hơn 850.000. Hồi tháng 6.2018, chỉ trong 6 phút, Lượng giúp hãng giày và đồ da cao cấp Ý Tod’s bán được lượng túi xách, thu về 3,2 triệu nhân dân tệ (11 tỉ đồng). Năm 2017, trong 12 phút, anh đã bán được túi xách hiệu Givenchy (Pháp), đem về 1,2 triệu nhân dân tệ.
Theo tờ South China Morning Post, bà Yeh còn trích dẫn trường hợp của Aspinal of London, một thương hiệu đồ da cao cấp của Anh chưa từng được biết đến tại Trung Quốc. Hãng bắt đầu chuyển hướng sang du học sinh Trung Quốc tại Anh thông qua Weibo và WeChat. Không lâu sau đó, doanh số bán hàng của hãng tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Cũng theo bà Yeh, các nhà bán lẻ nên làm nội dung quảng cáo càng mang tính địa phương hóa càng tốt, nhắm vào các dịp lễ quan trọng ở Trung Quốc như Tết Nguyên đán, Ngày độc thân và Tuần lễ vàng.
“Họ có thể sống ở Anh hoặc Mỹ, nhưng họ vẫn ăn mừng những dịp lễ này và các nội dung quảng cáo như trên sẽ tác động họ”, bà Yeh nhận định.
Ngoài ra, những thương hiệu có sản phẩm giúp sinh viên nhà giàu Trung Quốc thể hiện được tính cách và cá tính của mình thường sẽ được tiêu thụ nhiều hơn.
Theo tờ South China Morning Post, những sinh viên Trung Quốc này có đủ sức mạnh chi tiêu để định hình toàn bộ thị trường hàng hóa xa xỉ phương Tây.
Sinh viên Trung Quốc thường chiếm ưu thế tại các cửa hàng hiệu ở phương Tây, theo South China Morning Post. Du học sinh Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng số sinh viên quốc tế tại Anh và 33% tại Mỹ cùng Canada. Cho con đi du học đã trở thành một trong những mục tiêu chính của những gia đình tầng lớp trung lưu và giàu có Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây của Kai Tak Education cho thấy 83% số triệu phú Trung Quốc muốn con cái đi du học - chủ yếu ở các nước phương Tây. Theo ước tính của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), có hơn 100 triệu người Trung Quốc nằm trong nhóm 10% những người giàu nhất thế giới, và có rất nhiều “cậu ấm cô chiêu” ngoài kia là con cái của họ.
|
Bình luận (0)