Giải mã tên chiến hạm Mỹ

04/06/2017 09:08 GMT+7

Không chỉ mang tên địa danh, các tàu chiến Mỹ còn được phân theo nhóm để đặt tên vinh danh các tổng thống, nghị sĩ và những quân nhân lẫy lừng.

Ngày 31.5 vừa qua, thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đoàn đại biểu của Ủy ban Quân vụ - Thượng viện Mỹ sang thăm VN. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông McCain còn đi thăm tàu khu trục Mỹ USS John S.McCain (DDG-56) đang bảo dưỡng, sửa chữa tại cảng quốc tế Cam Ranh. Chiếc tàu này được đặt theo tên ông nội và cha của thượng nghị sĩ John McCain cũng là của 2 đô đốc lừng danh của Mỹ: John S.McCain, Sr. (1884 - 1945) và John S.McCain, Jr. (1911 - 1981). Hai vị đô đốc này được đặt tên cho tàu chiến là cách để quân đội Mỹ vinh danh các cá nhân xuất sắc trong lịch sử lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến.
Lớp tàu chưa có tên
Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan Khảo cứu quốc hội Mỹ vừa đưa ra báo cáo mới nhất cập nhật việc đặt tên cho tàu chiến của hải quân Mỹ. Trong đó, phần đầu báo cáo cho hay lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thay thế lớp Ohio (SBNX) đã được đặt tên là USS Columbia (SSBN-826) để vinh danh thủ đô Washington D.C (District of Columbia). Tuy nhiên, hải quân Mỹ cho đến nay vẫn chưa thống nhất quy tắc cho việc đặt tên các tàu thuộc lớp SBNX. Thậm chí, tên của lớp này vẫn đang nằm ở dạng chung chung là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thay thế lớp Ohio. Từ cuối thập niên 1990, lớp Ohio không còn được đóng mới, và sau đó Lầu Năm Góc tiến hành kế hoạch phát triển lớp tàu ngầm thay thế bằng chương trình SBNX. Nhưng dự kiến đến năm 2021 thì chiếc đầu tiên USS Columbia mới được đóng. Nếu theo quy tắc quen thuộc là tên chiếc tàu đầu tiên cũng là tên của lớp tàu thì nhiều khả năng SBNX sẽ mang tên lớp Columbia.
Bên cạnh đó, ngoại trừ USS Columbia (SSBN-826) thì hiện nay còn 1 tàu ngầm khác của Mỹ cũng đang mang tên Columbia. Đó là chiếc USS Columbia (SSN-771) thuộc lớp Los Angeles. Nhưng nếu USS Columbia (SSBN-826) vinh danh thủ đô Washington D.C thì USS Columbia (SSN-771) có vai trò vinh danh chung cho 3 thành phố cùng mang tên Columbia ở 3 bang South Carolina, Missouri và Illinois. Theo quy tắc chung của nhiều thập niên gần đây, tàu ngầm Mỹ thường được đặt tên theo các địa danh ở nước này. Lớp tàu ngầm hạt nhân Virginia trang bị tên lửa dẫn đường cũng được đặt theo tên của các tiểu bang trong số 52 tiểu bang nước Mỹ. Còn lớp kế trước là Los Angeles thì gồm các tàu mang tên những thành phố của Mỹ.
Quy tắc và ngoại lệ
Bên cạnh tàu ngầm còn có 2 lớp tàu chiến cận bờ Freedom và Independence cũng được mang tên địa danh và cộng đồng có một số ý nghĩa đặc biệt đối với xứ sở cờ hoa. Còn lớp tàu đổ bộ San Antonio thì được đặt tên các thành phố, cộng đồng bị ảnh hưởng trong vụ tấn công khủng bố 11.9.
Nếu tàu ngầm thường được đặt tên theo địa danh thì tàu sân bay và tàu khu trục Mỹ lại mang tên nhân vật. Trong đó, tàu sân bay lớp Nimitz hiện hữu được đặt tên theo các tổng thống Mỹ như USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69), USS Theodore Roosevelt (CVN-71), USS George H.W.Bush (CVN-77)... Trong số này, có cả tàu được đặt tên theo nhân vật còn sống, điển hình như chiếc USS George H.W.Bush (CVN-77) được đóng từ năm 2003 và chính thức hoạt động từ năm 2009 nhưng Tổng thống Bush “cha” đến nay vẫn còn sống. Hay chiếc USS Ronald Reagan (CVN-76) cũng có trước khi Tổng thống Ronald Reagan (1911 - 2004) qua đời.
Trong khi đó, tàu khu trục Mỹ lại mang tên những nhân vật có nhiều công trạng cho hải quân, thủy quân lục chiến, tuần duyên và bao gồm cả các bộ trưởng hải quân Mỹ. Lớp tàu khu trục Arleigh Burke đông đảo nhất của hải quân Mỹ hiện nay có nhiều quan chức và tướng lĩnh hải quân Mỹ. Thậm chí, tổng thống đời thứ 32 Franklin D.Roosevelt cũng được đặt tên cho chiếc USS Roosevelt (DDG-80), bởi trước khi là tổng thống Mỹ, ông cũng từng là Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ. Còn người được đặt tên cho lớp tàu này chính là đô đốc nổi tiếng Arleigh Burke, người tham gia tích cực trong Thế chiến 2 và cả Chiến tranh Triều Tiên. Ông cũng chính là đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở đặt tại Washington D.C - nay là trung tâm nghiên cứu chính sách đầy quyền lực của Mỹ. Các cá nhân được chọn mang tên tàu còn có cả những nhà hoạt động xã hội dân sự và đấu tranh nhân quyền, điển hình như lớp tàu chở dầu John Lewis.
Đặc biệt, trong quy tắc đặt tên tàu chiến Mỹ còn có lớp tàu tuần dương Ticonderoga được đặt tên theo những vùng đất từng xảy ra trận chiến khốc liệt mà Mỹ từng tham gia. Phần lớn địa danh trong số này nằm ngoài nước Mỹ. Thuộc lớp tàu này có chiếc USS Hue City (CG-66) được đặt tên theo thành phố Huế của VN, nơi từng có trận chiến quan trọng vào năm 1968 mà quân đội Mỹ đã tham gia. Lớp tàu đổ bộ tấn công Tarawa cũng được đặt tên theo quy tắc tương tự và Mỹ từng dự định đặt tên một chiếc thuộc lớp tàu này là USS Khe Sanh nhằm ghi nhớ trận Khe Sanh trong chiến tranh VN, nhưng sau đó đã đổi tên thành USS Da Nang rồi cuối cùng lại thay đổi thành tên USS Peleliu - tên một đảo thuộc Cộng hòa Palau mà Mỹ từng chiến đấu trước Nhật trong Thế chiến 2.
Tuy nhiên, tất cả các quy tắc trên đều có những ngoại lệ nhằm vinh danh những cá nhân “cực kỳ đặc biệt”. Điển hình như lớp tàu sân bay Nimitz và chiếc đầu tiên thuộc lớp này là USS Nimitz (CVN-68) được đặt theo tên của Thủy sư đô đốc (tướng hải quân 5 sao) Chester W.Nimitz chứ không phải tên của một tổng thống nào. Cũng thuộc lớp tàu sân bay Nimitz có 2 tàu khác không mang tên tổng thống là USS Carl Vinson (CVN-70) được đặt theo tên của ông Carl Vinson (1883 - 1981) - hạ nghị sĩ đầy quyền lực trong quốc hội Mỹ và đại diện cho tiểu bang Georgia suốt 54 năm từ 1914 - 1965. Tương tự, USS John C.Stennis (CVN-74) được đặt theo tên ông John C.Stennis (1901 - 1995), là thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Mississippi từ năm 1947 - 1989 và từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ từ năm 1969 - 1981. Một ngoại lệ khác là lớp tàu tuần dương Ticonderoga, tuy được đặt tên theo địa danh, nhưng có chiếc USS Thomas S.Gates (CG-51) mang tên ông Thomas S.Gates (1906 - 1983) từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1959 - 1961 dưới thời Tổng thống Dwight D.Eisenhower. Rồi tàu ngầm USS John Warner (SSN-785) thuộc lớp Virginia không mang tên tiểu bang Mỹ mà mang tên của ông Warner từng làm thượng nghị sĩ đại diện bang Virginia từ năm 1979 - 2009, và từng làm Bộ trưởng Hải quân Mỹ từ năm 1972 - 1974.
Ngoại trừ tên tàu, mỗi tàu hải quân Mỹ còn kèm theo một mã hiệu thể hiện chủng loại và số tàu riêng biệt. Tên tàu có thể trùng nhau nhưng 2 tàu ngầm cùng mang tên USS Columbia thì mỗi chiếc có một mã hiệu khác nhau. Ví dụ, trong 2 chiếc USS Columbia thì 1 chiếc mang mã hiệu SSBN-826, chiếc còn lại mang tên SSN-771. Trong đó, chữ SSBN có nghĩa là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, trong đó 2 chữ SS nhằm biểu thị chữ “Ship” (tàu) và Submersible (có thể lặn), chữ B đại diện cho “ballistic missile” (tên lửa đạn đạo), và N có nghĩa “nuclear power” (chạy bằng năng lượng hạt nhân). Còn chiếc SSN-771 thì chữ SSN nghĩa là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với chữ SS và N mang ý nghĩa là tàu ngầm và chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chính vì thế, để biết chính xác thông tin một tàu chiến Mỹ thì rất cần mã hiệu của tàu chứ không chỉ dựa vào tên tàu.
Hải quân Mỹ nhận tàu sân bay USS Gerald R.Ford
Ngày 1.6, trang mạng chính thức của lực lượng hải quân Mỹ công bố vừa hoàn tất việc tiếp nhận tàu USS Gerald R.Ford - chiếc tàu được đặt theo tên của vị tổng thống thứ 38 của xứ cờ hoa. Việc đặt tên này được thông qua vào tháng 10.2006, chỉ khoảng 2 tháng trước khi Tổng thống Ford (1913 - 2006) qua đời.
Đây là tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald R.Ford và được mệnh danh là “siêu hàng không mẫu hạm” với những cải tiến mạnh mẽ khiến cho nó trở thành tàu sân bay uy lực nhất từ trước đến nay trên thế giới. Dự kiến, đến năm 2020, tàu sân bay USS Gerald R.Ford có thể chính thức vận hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.