Theo chuyên san The National Interest, sau các cuộc thử nghiệm thành công mới đây, hải quân Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa SeaRAM với mục tiêu thay thế hoàn toàn hệ thống phòng thủ Phalanx CIWS bị cho là đã lạc hậu.
Với những đặc điểm mang tính cách mạng trong lĩnh vực tên lửa đánh chặn, SeaRAM trước tiên sẽ được trang bị trên một loạt chiến hạm, đặc biệt là lớp tàu chiến cận bờ (LCS) mà Washington đã triển khai đến châu Á - Thái Bình Dương.
Kết hợp nhiều ưu thế
Được phát triển bởi Tập đoàn công nghệ quốc phòng Raytheon, SeaRAM có nền tảng dựa trên Phalanx CIWS nhưng được cải tiến toàn diện để tạo nên lá chắn tên lửa chủ lực mới cho các tàu chiến. Trang Scout Warrior dẫn lời sĩ quan phụ trách thông tin báo chí Marc Rockwellpate của hải quân Mỹ cho biết SeaRAM sử dụng lại hệ thống cảm biến và điều khiển hỏa lực đã có của Phalanx CIWS nhưng thay ống pháo 20 mm bằng ống phóng có thể triển khai 11 tên lửa xoay suốt hành trình (RAM) MK-31. Nhờ đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất tác chiến đồng thời khắc phục được các nhược điểm của lá chắn cũ.
Cụ thể, phạm vi tác chiến của Phalanx CIWS chỉ khoảng 3,5 km trong khi tầm bắn tối đa của hệ thống SeaRAM là 9 km, giúp ngăn chặn từ xa mọi mối đe dọa trên biển. Mặt khác, theo The National Interest, hệ thống phòng thủ mới có tốc độ đánh giá nguy cơ và phản ứng cực nhanh nên có thể tự đánh chặn tên lửa siêu thanh chống hạm, máy bay không người lái và cả chiến đấu cơ.
SeaRAM cũng thuộc thế hệ fire-and-forget (phóng và quên) tối tân nên tên lửa sau khi rời ống phóng có thể tự lao đến mục tiêu đã định hoặc tránh né đòn giáng trả của đối phương mà không cần thêm bất cứ tín hiệu can thiệp nào từ bên ngoài. Ưu thế này còn được hỗ trợ đáng kể bởi tên lửa RAM Mk-31 có đặc tính xoay suốt hành trình, giúp ổn định đường bay nhưng vẫn có thể nhanh chóng đổi hướng. Hơn nữa, Raytheon khẳng định SeaRAM này được tích hợp tần số vô tuyến kép hoạt động độc lập và điều khiển hồng ngoại cho phép đánh chặn nhiều nguy cơ cùng lúc.
Trong các cuộc thử nghiệm mới đây, hệ thống đã đánh chặn thành công 1 máy bay không người lái và 2 tên lửa siêu thanh cùng lúc. “SeaRAM kết hợp tính chính xác, tầm bắn xa và khả năng linh hoạt của tên lửa xoay suốt hành trình với bộ truy tìm có độ phân giải cao và tính năng tác chiến nhanh của pháo Phalanx CIWS”, sĩ quan Rockwellpate tuyên bố.
Từ những thành quả bước đầu, Lầu Năm Góc cũng quyết định chi thêm 28 triệu USD cho Raytheon để tiếp tục nâng cấp, bổ sung các tính năng mới, lợi hại hơn nữa cho thế hệ tiếp theo của SeaRAM, dự kiến ra mắt vào năm 2018.
Mục tiêu Biển Đông
Một ưu thế khác của SeaRAM là nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt nên có thể được trang bị cho một loạt tàu chiến khác nhau. Trước mắt, theo sĩ quan Rockwellpate, hải quân dự tính trang bị lá chắn mới cho nhiều khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke và tàu tác chiến cận bờ (LSC) thuộc các lớp Independence (tàu 3 thân) và Freedom (tàu đáy phẳng). Đặc biệt, các cuộc thử nghiệm thành công vừa qua của SeaRAM đều được tiến hành với LSC là 2 tàu USS Independence và USS Cronado lớp Independence. “Các cuộc thử nghiệm xác nhận khả năng của lớp Independence trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa cũng như chứng minh khả năng ấn tượng mà SeaRAM mang đến”, sĩ quan chỉ huy tàu USS Cronado Scott Larson tuyên bố.
Theo báo Business Insider, tên lửa chống hạm tốc độ cao, tầm bắn xa và lực sát thương mạnh là một trong những lo ngại hàng đầu của các chiến lược gia hải quân Mỹ. Loại vũ khí này đang được Nga và Trung Quốc tập trung phát triển nhằm phục vụ chiến lược chống tiếp cận, ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động của lực lượng Mỹ và đồng minh tại những khu vực nhiều biến động như Địa Trung Hải, biển Đen, Biển Đông và Hoa Đông. Vì thế, SeaRAM được kỳ vọng mang lại lớp phòng thủ chắc chắn, bảo vệ chiến hạm Mỹ tại những vùng biển đang “nóng bỏng”. Đáng chú ý, tàu khu trục lớp Arleigh Burke thường xuyên được triển khai tại Biển Đông, Hoa Đông và khu vực bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, LCS là thành tố quan trọng trong chiến lược xoay trục tại châu Á - Thái Bình Dương của Washington và đã được điều động đến đồn trú luân phiên ở Singapore.
Ngoài ra, The National Interest dẫn lời giới quan sát nhận định việc lắp đặt SeaRAM cho tàu khu trục và tàu tác chiến cận bờ là một phần trong chiến lược “phân bổ sát thương” của hải quân Mỹ. Theo đó, vũ khí tầm xa chính xác, cả tấn công lẫn phòng thủ, có thể giúp gia tăng khoảng cách phối hợp hoạt động giữa các lực lượng hải quân, giảm nguy cơ co cụm và lọt vào tầm hỏa lực của đối phương nhưng vẫn có thể nhắm trúng mục tiêu nhờ công nghệ dẫn đường hiện đại.
Mỹ triển khai radar theo dõi Triều Tiên
Mỹ đã điều động tổ hợp radar SBX-1 đến gần bán đảo Triều Tiên để theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, theo tờ Stars and Stripes. Đây là hệ thống radar khổng lồ có khả năng quét cực nhạy và phạm vi hoạt động vô cùng rộng lớn. Từ năm 2006, tàu siêu vận tải Blue Marlin mang dàn radar SBX-1 đã đồn trú tại căn cứ Trân Châu Cảng ở Hawaii. Mới đây, tàu đã di chuyển đến một địa điểm bí mật gần bán đảo Triều Tiên để thu thập dữ liệu và quay về vào cuối tháng 10, Stars and Stripes dẫn lời một số quan chức Seoul giấu tên cho biết.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Hàn Quốc, Mỹ và Anh dự kiến tổ chức cuộc tập trận ba bên đầu tiên trong tuần này. Anh dự kiến triển khai 4 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon, một máy bay tiếp nhiên liệu và một máy bay vận tải đến tham gia, theo Stars and Stripes.
|
Bình luận (0)