Gian nan nỗ lực trục vớt tàu ngầm Indonesia

26/04/2021 07:10 GMT+7

Việc tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm tại vùng biển quá sâu khiến nỗ lực tiếp cận và trục vớt trở nên vô cùng khó khăn, mạo hiểm.

Hải quân Indonesia ngày 25.4 thông báo đã tìm thấy tàu ngầm KRI Nanggala 402 dưới đáy biển Bali. Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết con tàu bị vỡ làm 3 phần, trong khi Tư lệnh quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto xác nhận toàn bộ 53 người đã thiệt mạng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 25.4 gọi vụ chìm tàu là thảm kịch gây sốc toàn bộ đất nước. “Toàn thể người dân Indonesia bày tỏ nỗi tiếc thương sâu sắc về thảm kịch này, đặc biệt đối với gia đình của thủy thủ đoàn”, Tổng thống Widodo nói.
Trước đó, AFP đưa tin cuộc tìm kiếm tàu ngầm đã chuyển thành nỗ lực trục vớt, sau khi nhà chức trách tìm thấy các vật thể và cho rằng con tàu đã bị nứt vỡ rồi chìm xuống biển Bali. Thêm nhiều vật thể được tìm thấy trong ngày 25.4 gồm mỏ neo và áo phao của thủy thủ.

Tàu ngầm Indonesia vỡ thành 3 phần, toàn bộ 53 thủy thủ thiệt mạng

Đến nay, Indonesia vẫn chưa thể giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến thảm kịch trên, dù giả thuyết nhiều khả năng nhất là con tàu bị mất điện, không thể tiếp tục vận hành và bị chìm xuống. Càng chìm xuống sâu, con tàu chịu áp lực càng lớn khiến thân tàu bị nứt vỡ và nước tràn vào bên trong.
Giới chuyên gia cho rằng lớp vỏ thép của tàu có thể bị đè bẹp nếu chìm xuống quá ngưỡng giới hạn, điều đã xảy ra với tàu ngầm ARA San Juan của Argentina hồi năm 2017. Tàu San Juan mất tích tại Đại Tây Dương và chỉ được tìm thấy 1 năm sau đó ở độ sâu 900 m, thân tàu bị áp lực nước nghiền nát.
Đội tìm kiếm gồm các tàu của Indonesia, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Úc và cả máy bay săn ngầm P-8A của hải quân Mỹ hôm qua tập trung xác định vị trí chính xác của con tàu. Nhà chức trách cho biết đã bắt được tín hiệu của con tàu từ vị trí sâu hơn 800 m vào sáng 25.4 và đã sử dụng một thiết bị lặn của Singapore để xác nhận hình ảnh.

Hình ảnh đầu tiên của tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm

Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia, ngay cả khi xác định được vị trí tàu, nỗ lực trục vớt cũng sẽ là quá trình đầy khó khăn và rủi ro. Tham mưu trưởng Margono ngày 24.4 cho biết nỗ lực tìm kiếm, trục vớt ở độ sâu 850 m là rất rủi ro và khó khăn vì vượt quá sức chịu đựng của các tàu tìm kiếm, cứu hộ.

Sóng độc đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia?

Theo chuyên trang The Drive, tàu cứu hộ MV Swift Rescue của Singapore có mang theo phương tiện cứu hộ lặn sâu (DSRV) có thể lặn xuống gần 500 m và đủ chỗ cho 15 người. Bên cạnh đó, tàu còn có thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV) có thể lặn sâu xuống 1.000 m, giúp tìm kiếm hoặc dọn dẹp mảnh vỡ để DSRV và thợ lặn tiếp cận tàu ngầm bị chìm. Các tàu cứu hộ của Ấn Độ và Malaysia cũng có những phương tiện tương tự. Tuy nhiên, chuyên gia tàu ngầm Úc Frank Owen nói rằng hầu hết các tàu cứu hộ chỉ có thể vận hành ở độ sâu 600 m, dù có thể lặn sâu hơn mức đó đôi chút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.