Giới thiên văn học phát hiện 12 mặt trăng mới của sao Mộc

19/07/2018 21:49 GMT+7

Một trong số 12 mặt trăng vừa lọt vào ống kính của giới thiên văn học Trái đất đang xoay quanh sao Mộc trên quỹ đạo “tự sát”, có nghĩa không sớm thì muộn sẽ xảy ra vụ va chạm hủy diệt.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tình cờ tìm được số mặt trăng trên trong lúc săn lùng hành tinh thứ 9 bí ẩn của hệ mặt trời, vốn được cho là đang lẩn khuất bên ngoài quỹ đạo của Hải Vương tinh, hành tinh xa nhất của hệ mặt trời hiện nay, theo Guardian hôm 18.7.
Nhóm chuyên gia lần đầu tiên bắt được hình ảnh của các mặt trăng từ tháng 3 năm ngoái, nhờ vào Đài Thiên văn liên châu Mỹ Cerro Tololo ở Chile, nhưng cần thêm hơn một năm để xác nhận rằng chúng thực sự bị khóa chặt trên quỹ đạo xung quanh hành tinh khổng lồ khí.
Hệ thống mặt trăng đông đúc của sao Mộc Viện Carnegie về Khoa học
“Đó là một quá trình dài hơi”, theo trưởng nhóm Scott Sheppard đang công tác tại Viện Carnegie về Khoa học ở thủ đô Washington D.C.
Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, tất nhiên chẳng thiếu mặt trăng. Số thiên thể vừa tìm được giúp nâng tổng số các vệ tinh tự nhiên xung quanh sao Mộc lên đến 79, nhiều nhất so với bất kỳ hành tinh khác cùng hệ.
9 trong số 12 mặt trăng mới thuộc vào nhóm bên ngoài, xoay quanh sao Mộc theo hướng đối nghịch. Chúng được cho là tàn tích của các thiên thể lớn hơn đã bị phá hủy trong quá trình đụng độ với các tiểu hành tinh, sao chổi và những mặt trăng khác. Mỗi cá thể trong nhóm này mất khoảng 2 năm để hoàn tất vòng quay quanh sao Mộc.
Đặc biệt nhất vẫn là mặt trăng thứ 12, được gọi là Valetudo. Có bề ngang chưa đầy km, mặt trăng nhỏ bé di chuyển trên quỹ đạo cắt ngang đường đi của các mặt trăng khác. Nó giống như trường hợp một chiếc ô tô chạy trên đường cao tốc nhưng ngược chiều. Dự kiến trong tương lai, một vụ va chạm giữa Valetudo với các mặt trăng khác  sẽ xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.