Ám sát chỉ huy đặc nhiệm Iran, Mỹ sẽ thổi bùng xung đột Trung Đông

03/01/2020 19:14 GMT+7

Các nhà phân tích nhận định việc Mỹ ám sát thiếu tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran ngay tại Baghdad sẽ kéo Iraq vào cuộc xung đột lan rộng khu vực Trung Đông.

Cuộc không khích của Mỹ ngày 3.1 nhắm vào đoàn xe chở thiếu tướng Soleimani và ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy - phó chủ tịch ủy ban của hội đồng của lực lượng dân quân Iraq PMF hùng hậu được Iran hậu thuẫn, ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq. Ông Muhandis được cho là cố vấn hàng đầu của thiếu tướng Soleimani, hay “người của Iran”, tại Iraq, theo AFP.
Cái chết của hai viên chỉ huy này chạm đến nỗi lo sợ sâu sắc nhất của nhiều người Iraq: đất nước của họ sẽ trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột Iran-Mỹ có nguy cơ sắp bùng nổ và lan rộng khắp khu vực.
Ngày 3.1, Tổng thống Iran Hasan Rouhani tuyên bố: “Iran và các quốc gia tự do khác trong khu vực sẽ trả thù trước tội ác ghê rợn của Mỹ". Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran tiến hành cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về biện pháp đáp trả vụ không kích của Mỹ, theo hãng tin FARS.

[VIDEO] Lực lượng đặc nhiệm Quds quyền lực như thế nào?

Theo trang Politico, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump diệt trừ thiếu tướng Soleimani vì xem ông này là “kẻ thù nguy hiểm của Mỹ”, nhưng động thái này có thể châm ngòi làn sóng tấn công trả đũa nhắm vào lực lượng Mỹ cùng đồng minh ở Trung Đông. Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cảnh báo rằng cái chết của hai chỉ huy Iran và Iraq có nguy cơ dẫn đến chiến tranh trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn với Al Jazeera, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lawrence Korb dự đoán Iran sẽ trả đũa bằng cách phát động "hàng loại đợt tấn công bất đối xứng", nhưng không muốn xung đột toàn diện với Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức ở Trung Đông cảnh báo Iran nổi tiếng với các vụ ám sát ở nước ngoài và Tehran có thể trả đũa nhắm vào nhân vật then chốt ở bất kỳ nơi đâu từ châu Phi cho đến vùng Vịnh hoặc thậm chí Mỹ Latinh.

Xe chở chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran tại Iraq bị rocket Mỹ tấn công ở khu vực sân bay quốc tế Baghdad, Iraq sáng 3.1.2020

Văn phòng báo chí Thủ tướng Iraq

Ngoài ra, giới quan sát nhận định Iran có sức ảnh hưởng đối với Iraq nhiều hơn so với Mỹ, cả về quân sự lẫn chính trị, theo AFP. Thiếu tướng Soleimani là ví dụ điển hình, vì ông thường xuyên đến Baghdad để dự họp cùng các quan chức hàng đầu của Iraq trong các thời điểm hỗn loạn.
"Nếu Iran trả đũa, thì sẽ không đơn giản là chỉ bắn tên lửa nhằm vào các đại sứ quán. Iran có thể đẩy Iraq vào thế xung đột nội bộ để có thể dễ dàng xúi giục. Lá bài mạnh nhất của Iran là ở Iraq. Tôi nghĩ rằng Iraq sẽ trả giá vì điều này", chuyên gia Fanar Haddad thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông của Đại học Singapore cho biết.

[VIDEO] Lầu Năm Góc: Tổng thống Trump chỉ đạo không kích diệt tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran

Các tài liệu giải mật của quân đội Mỹ về Chiến tranh Iraq (2003-2011) cho thấy lực lượng quân sự Mỹ từng lên kế hoạch giết chết hoặc bắt sống thiếu tướng Soleimani khi ông đến thăm Iraq trong năm 2006. Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Mỹ sau đó đã hủy bỏ kế hoạch.
“Trước mắt, sẽ có nhiều người phải 'rơi đầu' trên chính trường Iraq, vì Iran sẽ chất vấn để tìm ra ai rò rỉ thông tin tình báo cho Mỹ về chuyến thăm Baghdad của thiếu tướng Soleimani”, học giả Ranj Alaaldin thuộc Viện nghiên cứu Brookings đánh giá.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang trong nhiều tháng qua và mới đây là Washington cáo buộc các lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn đã nã rocket  vào binh sĩ Mỹ khắp Iraq và tấn công đại sứ quán tại Baghdad.
Vào ngày 27.12.2019, một đợt tấn công bằng rocket đã giết chết một nhân viên dân sự Mỹ làm việc tại căn cứ ở miền bắc Iraq. Mỹ đã không kích trả đũa, tiêu diệt 25 tay súng của lực lượng Kataeb Hezbollah, một nhánh của lực lượng dân quân PMF. Chỉ huy PMF Muhandis cũng chính là nhà sáng lập Kataeb Hezbollah.
Đáp lại, những người ủng hộ lực lượng dân quân PMF đã bao vây, tấn công đại sứ quán Mỹ tại Baghdad trong tuần này, buộc Washington tuyên bố triển khai thêm hàng trăm lính Mỹ đến khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.