Hai miền Triều Tiên so kè tên lửa

24/06/2017 06:15 GMT+7

Không lâu sau khi CHDCND Triều Tiên thử động cơ tên lửa, Hàn Quốc cũng phóng thử tên lửa có tầm bắn vươn tới mọi mục tiêu ở miền Bắc.

Ngày 23.6, đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến quan sát đợt phóng thử tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 do Hàn Quốc sản xuất, với tầm bắn khoảng 800 km, đủ để vươn tới mọi khu vực của CHDCND Triều Tiên, theo Yonhap. Đây là đợt thử Hyunmoo-2 lần thứ tư, diễn ra tại bãi thử thuộc Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD), cách thủ đô Seoul khoảng 200 km về phía tây nam. “Sự hiện diện của tổng thống là sự cảnh báo rõ ràng đối với những hành động khiêu khích tái diễn của miền Bắc”, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun tuyên bố. Sau cuộc phóng thử, Tổng thống Moon nhấn mạnh với giới chức ADD rằng đối thoại chỉ có thể diễn ra khi Seoul phát triển khả năng phòng thủ và an ninh đủ sức áp đảo Bình Nhưỡng. Ông cũng khẳng định cần áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mạnh nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tiến hành đợt thử hạt nhân mới.

tin liên quan

Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần 6?
Tờ The Asahi Shimbun ngày 11.6 đưa tin CHDCND Triều Tiên có thể chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, sau khi nhiều hoạt động được nhìn thấy xung quanh một bãi thử hạt nhân ở nước này.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vừa thử một động cơ tên lửa được cho là nằm trong chương trình phát triển ICBM. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3, Mỹ xác nhận một cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa của Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng thông báo thử thành công một động cơ mới được chế tạo cho tên lửa đạn đạo. Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), Phó đô đốc James Syring thừa nhận những bước tiến của công nghệ tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong 6 tháng qua đã gây ra quan ngại lớn tại Mỹ. Đài NHK còn dẫn lời ông Syring tiết lộ MDA đang chuẩn bị cho kịch bản ICBM mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ.
Tuy nhiên, cơ quan này vừa gặp thất bại khi tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA không trúng mục tiêu trong đợt thử nghiệm tại vùng biển bang Hawaii, theo NHK. SM-3 Block IIA được phát triển với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Nhật từ năm 2006. Hỏa tiễn này được thiết kế nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo trong những khu vực rộng để đối phó Triều Tiên và những mối đe dọa khác. Trong cuộc thử nghiệm mới, một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ cơ sở trên đảo Kauai và lập tức bị radar AN/SPY-1D (V) gắn trên khu trục hạm USS John Paul Jones phát hiện. Tuy nhiên, SM-3 Block IIA được phóng từ khu trục hạm sau đó lại không đánh trúng mục tiêu. Tên lửa mới từng được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí chủ chốt của một hệ thống phòng thủ tối tân của Mỹ và Nhật sau đợt thử thành công hồi tháng 2.
Triều Tiên tuyên bố về cái chết của sinh viên Mỹ
Ngày 23.6, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier “cũng là một điều bí ẩn” đối với Bình Nhưỡng và bác bỏ cáo buộc người này chết vì bị tra tấn trong thời gian giam giữ, theo KCNA.
Warmbier, 22 tuổi, bị bắt hồi tháng 1.2016 tại Bình Nhưỡng vì hành động ăn trộm một tấm áp phích cổ động trong khách sạn và lĩnh án 15 năm tù khổ sai với tội “hành động thù địch chống lại nhà nước”. Theo giới chức Triều Tiên, Warmbier ngộ độc thịt và rơi vào hôn mê sau khi uống một viên thuốc ngủ không lâu sau khi bắt đầu thụ án. Người này vẫn hôn mê sau khi được phóng thích và đưa về Mỹ ngày 13.6. Đến ngày 19.6, Warmbier qua đời. “Vụ Warmbier chết bất ngờ chưa đầy một tuần sau khi trở về Mỹ trong tình trạng chỉ dấu sức khỏe bình thường cũng là một bí ẩn đối với chúng tôi”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố. Theo truyền thông Mỹ, các bác sĩ đến nay vẫn chưa thể xác nhận nguyên nhân hôn mê và tử vong của Warmbier. Bí ẩn này có thể sẽ không bao giờ được giải đáp do gia đình nạn nhân từ chối cho giải phẫu tử thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.