Hai tàu sân bay Mỹ - Ấn sắp phối hợp răn đe hải quân Trung Quốc

10/11/2020 20:09 GMT+7

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya sắp có cuộc tập trận chung trong khuôn khổ giai đoạn 2 của cuộc tập trận 4 bên Malabar.

Chuyên trang USNI vừa đưa tin tàu sân bay Mỹ USS Nimitz sau khi cập bến Bahrain sẽ được điều động để chuẩn bị tham gia tập trận Malabar giai đoạn 2 từ ngày 17 - 20.11. Phần tập trận này dự kiến diễn ra ở vùng biển Ả Rập, nằm ngoài khơi khu vực phía tây của Ấn Độ, và có sự tham gia của tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Cuộc tập trận thường niên Malabar năm nay có sự tham gia của cả 4 thành viên “tứ giác kim cương” gồm Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản và Úc. Giai đoạn 1 của cuộc tập trận  đã diễn ra ở vịnh Bengal.

Tàu sân bay USS Nimitz ở Ấn Độ Dương hồi tháng 7.2020

Ảnh: US Navy

Thách thức Bắc Kinh

Theo tờ Hindustan Times, cuộc tập trận sắp tới còn có sự tham gia của các máy bay chiến đấu F/A-18 trên tàu sân bay USS Nimitz và chiến đấu cơ Mig-29 trên tàu INS Vikramaditya. Mục tiêu của hoạt động lần này nhằm tăng cường khả năng phối hợp của hải quân thuộc “bộ tứ kim cương”.

Giai đoạn 2 của cuộc tập trận sắp tới diễn ra trong bối cảnh có khoảng 70 tàu chiến nước ngoài đang hoạt động ở vùng vịnh Ba Tư và biển Ả Rập. Hải quân Trung Quốc cũng đang có tàu chiến hoạt động ở vịnh Aden cách địa điểm tập trận Malabar không xa.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ có độ choán nước khoảng 45.000 tấn

Ảnh: Indian Navy

Trước đó, giai đoạn 1 của cuộc tập trận Malabar năm nay diễn ra ở vịnh Bengal nằm ở phía đông của Ấn Độ. Vì thế, 2 giai đoạn của cuộc tập trận được cho là nhằm thể hiện sự sẵn sàng ở cả 2 phía đông và tây, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc vẫn chưa lắng dịu.

Thêm vào đó, giới phân tích cho rằng nội dung tập trận còn nhằm gửi đi thông điệp của “bộ tứ kim cương” rằng nhóm này cam kết giữ vững an ninh các tuyến hàng hải trong khu vực, kéo dài từ Biển Đông đến vùng biển Ả Rập trên Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, nội dung cuộc tập trận còn ẩn chứa thông điệp sẵn sàng thách thức các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, theo tờ Hindustan Times.

Phô diễn sức mạnh

Hiện nay, Trung Quốc cũng đã có 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Trong đó, tàu Liêu Ninh được giới chuyên gia đánh giá là chỉ có thể được dùng để huấn luyện. Với tàu sân bay còn lại, tờ Hoàn Cầu thời báo gần đây đăng bài: Chuyên gia cho rằng tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đã sẵn sàng tới Biển Đông để ngăn chặn “những kẻ gây rối”.

Bài báo trên dẫn lời một số người được gọi là chuyên gia, cho rằng đoạn video mà Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải hồi cuối tháng 10 cho thấy tàu Sơn Đông sẵn sàng đến những khu vực rộng lớn để “nâng cao năng lực chiến đấu”.

Đoạn video do CCTV đăng tải cho thấy cảnh máy bay tiêm kích J-15 cất cánh và hạ cánh trên tàu Sơn Đông, máy bay trực thăng đa nhiệm Z-9S cũng xuất hiện trong video này. Tuy nhiên, trong video này thì các máy bay J-15 vẫn không mang theo tên lửa khi cất và hạ cánh trên tàu Sơn Đông.

Chiến đấu cơ F/A-18 trên tàu sân bay USS Nimitz

Ảnh: US Navy

Nguyên nhân, theo TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) trả lời Thanh Niên, là dòng máy bay J-15 quá nặng để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, trong khi cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đều không được tích hợp bộ phóng đẩy máy bay. Vì thế, máy bay J-15 khi cất cánh trên tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông đều không có hệ thống đẩy trợ giúp.

Trong khi J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, thì máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có tổng trọng tải tối đa khi cất cánh là 23 tấn. Không những vậy, bên cạnh việc được trang bị bộ phóng máy bay, tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ có độ choán nước trên 100.000 tấn và dài hơn 330 m, tức lớn và dài hơn nhiều so với độ choán nước khoảng 70.000 tấn của tàu sân bay Sơn Đông.

Máy bay chiến đấu Mig-29 hạ cánh trên tàu sân bay INS Vikramaditya

Ảnh: Indian Navy

So sánh với tàu INS Vikramaditya cũng không có bộ đẩy máy bay và có độ choán nước khoảng 45.000 tấn, tức nhỏ hơn tàu Sơn Đông, nhưng chiến đấu cơ Mig 29 trang bị trên tàu sân bay Ấn Độ có tổng trọng tải khi cất cánh là 18 tấn, chỉ bằng 55% so với J-15.

Từ nhược điểm vừa nêu, theo TS Satoru Nagao, J-15 muốn cất cánh dễ dàng trên tàu sân bay Sơn Đông thì buộc phải mang theo ít vũ khí lẫn nhiên liệu, dẫn đến khả năng tác chiến bị giảm đáng kể, cả về hỏa lực lẫn tầm tác chiến.

Chính vì thế, việc các máy bay chiến đấu F/A-18 và Mig-29 tham gia cuộc tập trận Malabar cùng hai tàu sân bay của Mỹ - Ấn còn mang thông điệp thị uy về sức mạnh tàu sân bay trước Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.