Cục Di sản Văn hoá Quốc gia Trung Quốc (NCHA) mới đây đưa ra thông báo: “Đối với các khu di tích văn hoá và bảo tàng có nguy cơ gặp rủi ro cao, họ phải tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng hoạt động để sửa chữa, đồng thời ngăn chặn các sự cố xảy ra cho các khu di tích”.
Tờ South China Morning Post dẫn thông báo nêu rằng nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn có thể do ngọn lửa trần (thuốc lá, nhang, nến, ngọn đèn...) hoặc chập điện. NCHA cũng nêu một số vấn đề gây nguy cơ an toàn như các vòi chữa cháy bị tắc và nước dẫn đến vòi chữa cháy yếu.
Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tại các di sản văn hóa Trung Quốc được cho là tăng lên theo thời gian. Năm 2014, một đám cháy đã quét sạch thị trấn cổ Dukezong của Tây Tạng, nơi được đổi tên thành Shangri-La để thu hút khách du lịch. Vụ cháy đã thiêu rụi 242 ngôi nhà. Năm 2015, một tòa tháp 600 tuổi được xây dựng từ thời nhà Minh ở Vân Nam cũng bốc cháy. Dù không có thiệt hại về người nhưng ngọn lửa đã phá hủy cả tòa tháp.
Vào năm 2017, chùa Cửu Long, được cho là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất ở châu Á, đã bị thiêu rụi bởi một trận hỏa hoạn lớn. Ngôi chùa khi đó đang trong quá trình phục hồi sau khi bị phá hủy trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008.
Thông báo từ NCHA cũng nhấn mạnh rằng mùa lũ hiện nay đã đến và nguy cơ xảy ra các thảm họa địa chất tự nhiên ngày càng gia tăng. Mưa lớn do bão In-fa gây ra trong tuần rồi đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh miền trung Hà Nam, khiến ít nhất 63 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán khẩn cấp.
Các thành phố Trịnh Châu và Lạc Dương tại Hà Nam, đều nổi tiếng với các bảo tàng và di sản văn hóa như chùa Thiếu Lâm, động Long Môn, nằm trong số những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.
Bình luận (0)