Hàng 'độc' tại triển lãm hải quân lớn nhất thế giới

30/10/2016 10:54 GMT+7

Tại triển lãm Euronaval 2016 (Pháp), vô số công nghệ mới cho tương lai của quân sự hàng hải thế giới đã được trình làng.

Sự kiện Euronaval 2016, vừa kết thúc tại Trung tâm hội nghị Le Bourget ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, là cuộc triển lãm hải quân lớn nhất thế giới với 403 tập đoàn quốc phòng, công ty công nghệ và viện nghiên cứu từ 34 nước trình làng nhiều phát minh chưa từng có.
Bắt đầu từ năm 1968, Euronaval do Liên đoàn Công nghiệp hàng hải Pháp (GICAN) tổ chức 2 năm/lần với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Pháp. Triển lãm năm nay còn thu hút 129 phái đoàn các nước, trong đó có nhiều tham mưu trưởng hải quân, và khoảng 25.000 lượt người xem, theo chuyên trang Defense News.
Tàu “lai” tự hành
Một trong những khí tài nổi bật nhất ra mắt tại Euronaval 2016 là dòng tàu AUSS (viết tắt từ Autonomous Underwater & Surface System, tạm dịch Hệ thống nổi và dưới nước tự hành) của tập đoàn quốc phòng nước chủ nhà Thales. Theo Defense News, đây là lớp tàu tàng hình đa nhiệm ra đời từ dự án hợp tác bí mật giữa Thales và 19 công ty, viện nghiên cứu tại Pháp. Được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tác chiến trong tương lai của hải quân Pháp và những nước khác, dòng tàu mới có năng lực hoạt động trên mặt biển lẫn trong lòng đại dương. Theo ý tưởng thiết kế được giới thiệu tại triển lãm, tàu có mũi hình chóp với thân tương tự một quả ngư lôi, đủ khả năng đảm nhận nhiều sứ mệnh như do thám, tuần tra, chống ngầm và quét thủy lôi.
Đặc biệt, AUSS được trang bị hệ thống điều hành vào hàng tối tân, giúp tàu có thể dễ dàng chuyển đổi giữa điều khiển từ xa hoặc hoàn toàn tự động theo cài đặt sẵn. Nhờ đó, tàu có khả năng xoay 360o vô cùng linh hoạt và nhanh chóng, di chuyển với tốc độ 17 hải lý và có thể dừng khẩn cấp để tránh chướng ngại vật ở khoảng cách chưa đầy 10 m. Đây là năng lực chưa từng xuất hiện ở bất cứ tàu không người lái nào.
“Át chủ bài” của Thales còn mang các cảm biến thế hệ mới nhất nhằm đảm bảo thông tin thu thập được trong toàn bộ hành trình đạt chất lượng cao với mọi định dạng từ sonar, hình ảnh radar đến thông tin điện tử. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường trực dưới nước và thay đổi áp suất đột ngột khi trồi lên, AUSS có đường kính thân tàu 53 cm. Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, AUSS đã được hạ thủy thử nghiệm 5 lần trong năm 2016 với kết quả vô cùng khả quan.
Mô hình tàu ngầm SMX 3.0 Ảnh: Navy Recognition
Chiến hạm cho tương lai
Ngoài AUSS, Euronaval 2016 còn chứng kiến hàng loạt mô hình và khái niệm thiết kế độc đáo. Một “đại gia” khác của Pháp là Tập đoàn đóng tàu DCNS công bố dự án tàu ngầm SMX 3.0 với mục tiêu trình làng thực tế từ sau năm 2025. Theo chuyên san IHS Jane’s, tàu ngầm mới dự kiến có độ choán nước 3.000 tấn, được tích hợp công nghệ kỹ thuật số tối tân với khả năng lưu trữ và xử lý hàng ngàn terabyte dữ liệu mỗi ngày, đủ sức phản ứng nhanh chóng trước mọi tình huống khi tham chiến. Ngoài ra, tàu ngầm được trang bị hệ thống phóng linh hoạt, có thể dùng để phóng tên lửa lẫn thiết bị không người lái.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo quyết định chi 3,8 tỉ euro cho chương trình Frégate de Taille Intermédiaire (FTI) nhằm phát triển dòng tàu hộ tống cỡ trung thay thế lớp Lafayette từ năm 2023. Đến nay, tính năng kỹ thuật lẫn năng lực chiến đấu của lớp tàu mới vẫn được giữ bí mật và Pháp chỉ hé lộ một số thông tin tại Euronaval 2016.
Theo đó, FTI có độ choán nước 4.200 tấn, dài 122,25 m, có bãi đáp trực thăng và chở được thủy thủ đoàn 125 người. Con tàu sẽ mang tên lửa phòng không MBDA Aster 30, tên lửa đối hạm Exocet được phóng từ hệ thống 8 ống phóng, cũng như ngư lôi MU90. Đặc biệt, các chuyên gia hướng tới phát triển FTI mang thiết kế kiểu “tháo lắp” theo từng khối, cho phép khách hàng lựa chọn linh hoạt tính năng theo nhu cầu. Pháp cũng dự định sẽ xuất khẩu dòng tàu mới và phiên bản dành cho khách hàng nước ngoài sẽ mang tên BELH@RRA.
Phát biểu tại triển lãm, một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp cho biết thêm các nhà thiết kế cũng đặc biệt chú trọng phát triển tính năng “tàu hộ tống kỹ thuật số” nhằm chống lại sự tấn công từ tin tặc trong bối cảnh chiến tranh điện tử hiện đại.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia và người xem cũng rất quan tâm đến sản phẩm tàu hộ vệ tàng hình mang tên lửa thế hệ mới được gọi là C-Sword 90 do Hãng CMN (Pháp) phát triển. Điểm nổi bật của C-Sword 90 là đặc điểm thiết kế khung thân góc cạnh, giảm thiểu tiết diện phản xạ radar và tăng khả năng tàng hình. Phía đuôi tàu cũng có sàn đáp đủ cho một máy bay trực thăng.
Mặt khác, tuy đang căng thẳng với phương Tây nhưng là một thế lực hải quân mạnh nhất nhì thế giới, Nga cũng không thể vắng mặt tại Euronaval 2016. Trang Navy Recognition đưa tin tập đoàn xuất khẩu công nghệ quốc phòng Rosoboronexport của Nga đã giới thiệu đến các khách hàng tiềm năng hơn 130 thiết bị hải quân các loại, đa số đã được thử nghiệm thành công trong điều kiện thực chiến, trong đó có tàu hộ tống lớp Tigr được tích hợp hệ thống tên lửa Klub-N và các ống phóng thẳng đứng, tàu hộ vệ tên lửa Project 21632 lớp Tornado cũng như các lớp tàu hộ tống Project 22356 và 11356 chuẩn bị cung cấp cho Ấn Độ.
Về tàu tuần tra, Rosoboronexport mang đến một loạt sản phẩm mới gồm tàu tuần tra xa bờ Project 22460, Project 14310 Mirazh, Project 12200 Sobol, Project 12150 Mangust và tàu dọn thủy lôi ven bờ lớp Alexandrit. Ngoài ra còn có tàu ngầm phi hạt nhân Amur-1650 và thiết kế phiên bản mới của dòng Kilo “hố đen trong lòng đại dương” mang tên lửa dẫn đường.
Về vũ khí, Defense News dẫn lời trưởng phái đoàn Rosoboronexport là ông Evgeny Odintsov cho biết nhiều khách hàng tiềm năng từ Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt quan tâm đến hệ thống tên lửa tích hợp Klub-N/S có thể phóng từ tàu nổi lẫn tàu ngầm.
Súng trường laser phi sát thương
Tại Euronaval 2016, lần đầu tiên súng trường laser phi sát thương của Công ty GEIM (Anh) được giới thiệu với thế giới. Theo Defense News, vũ khí mới mang tên LDI, có tầm bắn tối đa 500 m vào ban ngày và dễ dàng tấn công mục tiêu ở khoảng cách trên 1.500 m trong điều kiện đêm tối. GEIM khẳng định súng có khả năng phóng chùm tia laser 6.000 mW, mạnh nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, chùm tia không tổn hại mắt người, nhưng có thể làm nhòe hoặc cản trở tầm nhìn của mục tiêu bất chấp điều kiện môi trường xung quanh. Thời lượng sử dụng súng lên đến 180 phút, có thể dùng tấn công lực lượng xâm nhập và do thám, bất kể là người hay thiết bị bay không người lái. Các chuyên gia nhận định LDI sẽ rất hiệu quả trong công tác bảo vệ cảng biển và tàu dân sự di chuyển tại các khu vực bị hải tặc hoành hành trên thế giới.
Súng trường laser LDI Ảnh: Navy Recognition

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.