Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 31.7 cùng ra tuyên bố chung kêu gọi các nước đã tiêm được nhiều vắc xin Covid-19 chia lại cho các quốc gia kém may mắn hơn, AFP đưa tin.
“Chúng tôi nhấn mạnh sự cấp thiết của việc giúp người dân ở các nước đang phát triển tiếp cận với vắc xin, bộ xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19”, theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo.
“Một hạn chế lớn trong việc chủng ngừa Covid-19 chính là sự thiếu hụt trầm trọng và đáng báo động nguồn cung vắc xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, đặc biệt là trong nửa sau năm 2021”, tuyên bố viết.
"Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã đạt tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhường lại hợp đồng vắc xin của họ cho chương trình COVAX, AVAT (Tổ chức Mua lại Vắc xin Châu Phi) và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp", theo tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo cũng cho biết hợp đồng cung cấp vắc xin cho các quốc gia nghèo đang bị trì hoãn. Hiện tại, các nước này nhận được chưa đến 5% số liều vắc xin đã đặt mua.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 tăng gấp đôi nỗ lực để mở rộng quy mô sản xuất vắc xin, đặc biệt cho các quốc gia này. Chúng tôi cũng mong muốn các nhà sản xuất đảm bảo việc cung cấp vắc xin cho COVAX và các quốc gia thu nhập trung bình, thấp được ưu tiên so với các liều tiêm nhắc lại và những hoạt động khác”, theo tuyên bố.
Các tổ chức trên cũng kêu gọi chính phủ các nước giảm hoặc xóa bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu vắc xin và nguyên liệu sản xuất vắc xin. Đồng thời, tuyên bố chung cũng nhắc đến sự cấp bách trong việc giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng.
WHO, WTO, IMF và WB đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm xác định và giải quyết các trở ngại đối với việc sản xuất vắc xin, bộ xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19 để giúp các nước đang phát triển. Lực lượng này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 30.6.
Theo AFP, hơn 4 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu. Ở các quốc gia được WB xếp vào nhóm nước có thu nhập cao, cứ 100 người thì có 98,2 liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm. Trong khi đó, con số này là 1,6% ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Bình luận (0)