Hàng nghìn điệp viên Đức lâm nguy

16/01/2015 09:00 GMT+7

Giới chức tình báo Đức đứng ngồi không yên sau khi một bản danh sách mật ghi lại tên tuổi hàng ngàn điệp viên nước này bị đánh cắp.

Giới chức tình báo Đức đứng ngồi không yên sau khi một bản danh sách mật ghi lại tên tuổi hàng ngàn điệp viên nước này bị đánh cắp.

Giám đốc BND Gerhard Schindler tại một căn cứ nghe lén ở Đức - Ảnh: ReutersGiám đốc BND Gerhard Schindler tại một căn cứ nghe lén ở Đức - Ảnh: Reuters
Tờ Bild (Đức) ngày 14.1 dẫn nguồn tin an ninh tiết lộ một nhân viên tình báo tên Markus R, từng làm việc tại Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND), là người đã đánh cắp tài liệu mật trên. Người này được cho là có thể đã bán bản danh sách gồm chi tiết tên tuổi, bí danh và địa điểm hoạt động của 3.500 nhân viên tình báo Đức ở nước ngoài. Việc thân phận bị lộ có thể đặt các điệp viên Đức vào tình cảnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong nỗ lực giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc, các nguồn tin tình báo Đức khẳng định bản danh sách mật trên đã lỗi thời vì tên tuổi được cập nhật từ năm 2011, theo Hãng DPA.
Bóng dáng CIA
Markus R vốn là nhân viên tại bộ phận đăng ký thuộc Ban Hoạt động nước ngoài của BND. Chính tính chất công việc đã giúp Markus R có thể truy cập các tài liệu tuyệt mật, bao gồm thông tin về nhân thân của các điệp viên chìm Đức hoạt động ở mọi nơi trên thế giới. Đây là những người được BND gửi tới các đại sứ quán Đức ở nước ngoài cũng như tới các vùng có quân Đức đồn trú như Afghanistan, Mali, Li Băng và Sudan. Tại những nơi này, họ có nhiệm vụ nhận diện các mục tiêu thù địch và cảnh báo cho binh sĩ về các vụ tấn công có thể xảy ra. Theo tờ Bild, BND có khoảng 6.500 nhân viên.
Chính phủ Đức đã bắt giữ Markus R hồi tháng 7.2014 vì tình nghi rao bán thông tin mật. Theo giới chức điều tra, Markus R bị nghi ngờ là điệp viên hai mang của Nga sau khi bị phát hiện gửi thư điện tử đến Đại sứ quán Nga tại Berlin để rao bán thông tin. Tuy nhiên, người này đã khiến các nhà điều tra bất ngờ khi khai làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Markus R thừa nhận đã chuyển hơn 200 tài liệu tình báo của Đức cho CIA trong suốt 2 năm để đổi lấy khoảng 30.000 USD. Dẫu vậy, chính phủ Đức vẫn không tin đây là sự thật và đã yêu cầu CIA giúp đỡ để vạch mặt Markus R. Và những gì mà họ nhận được là sự im lặng từ phía Mỹ, theo tờ The Telegraph.
Buôn bán thông tin
Khám xét nhà riêng của nghi phạm 32 tuổi, cảnh sát tìm thấy nhiều thông tin mật trong máy tính và USB, bao gồm cả thông tin liên quan tới Ủy ban Điều tra quốc hội Đức. Trong những năm 2012 - 2014, nghi phạm đã đánh cắp và lưu hơn 200 tài liệu tình báo của Đức vào USB để đem sang Áo đưa cho các điệp viên Mỹ, tờ Bild tường thuật. Nghi phạm đã thực hiện ít nhất 4 cuộc gặp như vậy tại Áo. Tờ Bild khẳng định Markus R được trả khoảng 34.000 USD cho các tài liệu trên và nhận hướng dẫn trực tiếp từ Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Còn theo trang The Local, các nhà điều tra Đức đã gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập máy tính của người này. Markus R được cho là đã trao đổi thông tin với CIA thông qua một ứng dụng đặc biệt.
Còn theo tờ Spiegel (Đức), các nhà điều tra hiện tin rằng Markus R đã được CIA tuyển dụng từ năm 2010, tức sớm hơn 1 năm rưỡi so với khoảng thời gian nghi can khai trước đó, đồng thời đã được phía Mỹ trả tới 90.000 USD cho các thông tin mật trong suốt 4 năm. Nhà chức trách hiện không rõ liệu Markus R đã bán thông tin về tên tuổi nhân viên tình báo Đức cho các cơ quan tình báo nước ngoài hay chưa. Song việc người này tiếp cận phía Nga để rao bán thông tin mật khiến giới chức điều tra lo ngại thông tin về các điệp viên chìm Đức có thể đã lọt vào tay cơ quan tình báo nước ngoài thù địch. Danh sách mật đã được tìm thấy trong một ổ đĩa cứng tại nhà Markus R hồi năm ngoái, song nhà chức trách Đức chỉ mới đánh giá đúng tính nghiêm trọng của vấn đề trong thời gian gần đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.