Hé lộ cuộc họp khai sinh IS

18/08/2016 09:00 GMT+7

Một thành viên kỳ cựu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lần đầu tiết lộ bối cảnh ra đời của tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đã thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn với một nhân vật tên Abu Ahmad, thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ahmad là người chứng kiến cuộc gặp “lịch sử” giữa thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS và hàng loạt chỉ huy của các nhóm nổi dậy tại Syria, dẫn tới sự ra đời của tổ chức khủng bố đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên thế giới.
Tham vọng bá chủ
Vào một ngày trung tuần tháng 4.2013, Abu Ahmad nhìn thấy một chiếc xe màu nâu và đỏ sẫm đỗ xịch ngay trước “đại bản doanh” của Majlis Shura al-Mujahideen (MSM), một nhóm nổi dậy Hồi giáo người Syria do Abu al-Atheer làm thủ lĩnh tại thị trấn Kafr Hamra, miền bắc Syria. Một người bạn của Ahmad tiến đến ông và thì thầm: “Nhớ nhìn kỹ trong xe nhé”. Trong xe có 4 người đàn ông và Ahmad chẳng biết ai trong nhóm người trên. Quan sát trụ sở MSM, việc canh gác an ninh vẫn diễn ra như thường nhật, không có gì khác biệt. Thế nhưng khi 4 người lạ bước xuống xe và biến mất bên trong trụ sở MSM, chính người bạn trên lại tiến tới nói nhỏ vào tai Ahmad: “Anh vừa thấy Abu Bakr al-Baghdadi đó”.
Kể từ năm 2010, al-Baghdadi đã là thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Iraq. Chính al-Baghdadi đã điều trợ tá Abu Muhammad al-Jolani sang Syria lập tổ chức Mặt trận al-Nusra để mở cuộc thánh chiến tại đây. Mãi đến đầu năm 2013, ISI và al-Nusra vẫn phối hợp rất ăn ý. Tuy vậy, al-Baghdadi vẫn chưa thấy hài lòng vì muốn sáp nhập các chi nhánh của al-Qaeda tại Iraq và Syria thành một tổ chức hoạt động trải dài ở cả hai quốc gia và dĩ nhiên do hắn ta làm thủ lĩnh.
Hé lộ cuộc họp khai sinh IS 2
Thủ lĩnh al-Baghdadi của IS
Để thực hiện tham vọng trên, al-Baghdadi quyết định thân chinh sang Syria thuyết phục các thủ lĩnh nổi dậy tại đây. Trong suốt 5 ngày liên tiếp, cứ sáng đến là chiếc xe nâu đỏ thả al-Baghdadi và trợ lý Haji Bakr tại trụ sở MSM ở Kafr Hamra. Và trước khi mặt trời kịp lặn, chiếc xe đó lại đến đón al-Baghdadi về một địa điểm bí mật. Trong những ngày này, bên trong trụ sở MSM, al-Baghdadi trò chuyện, thảo luận rôm rả với các thủ lĩnh chóp bu tại Syria. Trong số này có cả những kẻ có tên trong danh sách bị truy nã gắt gao trên thế giới.
Ngoài al-Baghdadi, trong cuộc họp còn có Abu al-Atheer, thủ lĩnh MSM; Abu Mesaab al-Masri, một thủ lĩnh người Ai Cập; Omar al Shishani, thủ lĩnh người Chechnya đến Syria từ Georgia; Abu al-Waleed al-Libi, một thủ lĩnh từ Libya đã sang hoạt động tại Syria; Abed al-Libi, thủ lĩnh người Libya của nhóm Katibat al-Battar; hai chỉ huy tình báo cấp cao của nhóm al-Nusra và Haji Bakr, trợ lý của al-Baghdadi. Theo lời một người dự cuộc họp kể lại với Abu Ahmad, al-Baghdadi đến Syria để thuyết phục các tay “anh chị” từ bỏ nhóm Mặt trận al-Nusra và al-Jolani. Thay vào đó, họ nên gia nhập dưới ngọn cờ của IS, vốn được hứa hẹn sẽ sớm trở thành một nhà nước độc lập cho người Hồi giáo.
Phản bội al-Qaeda
Tuy nhiên, tham vọng hợp nhất các tổ chức cực đoan tại Iraq và Syria của al-Baghdadi vấp một trở ngại lớn. Tại cuộc họp, các thủ lĩnh nổi dậy tại Syria giải thích hầu hết trong số họ đều đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của al-Qaeda. Do đó, họ không thể từ bỏ al-Zawahiri để chạy theo al-Baghdadi.
Theo lời kể của Abu Ahmad, các thủ lĩnh Syria đã hỏi al-Baghdadi có tuyên thệ trung thành với al-Zawahiri hay chưa. Chớp lấy cơ hội, al-Baghdadi liền nói dối là đã tuyên thệ song không tuyên bố công khai điều này theo yêu cầu của al-Zawahiri. Thủ lĩnh ISI còn trấn an là đang hành động theo mệnh lệnh của ông trùm al-Qaeda. Tuy có hơi ngờ vực song các thủ lĩnh cực đoan tại Syria không thể kiểm chứng lời nói của al-Baghdadi. Bởi lẽ al-Zawahiri chưa từng lộ diện trước công chúng trong suốt nhiều năm qua và rất khó liên hệ với nhân vật vẫn đang lẩn trốn đâu đó tại Pakistan hoặc Afghanistan này.
Nếu al-Baghdadi hành động theo chỉ đạo của al-Zawahiri, họ phải tuân lệnh. Ngược lại, kế hoạch kiểm soát al-Nusra và các nhóm khác của al-Baghdadi là hành động tạo phản, sẽ gây chia rẽ trong nội bộ al-Qaeda. Vì thế, các thủ lĩnh tại Syria đành “nhắm mắt” ra quyết định song kèm theo một điều kiện. Họ sẽ theo al-Baghdadi nếu tổ chức mới IS hợp tác đầy đủ với al-Nusra và Ahrar al-Sham, một nhóm Hồi giáo cực đoan khác tại Syria. Dĩ nhiên, al-Baghdadi đồng ý điều kiện này.
Al-Baghdadi cũng vấp phải nhiều ý kiến phản bác khi đề ra việc lập một nhà nước Hồi giáo tại Syria. Al-Baghdadi lý giải điều này rất quan trọng vì người Hồi giáo cần có một quốc gia, một lãnh thổ riêng để họ có thể hoạt động và cuối cùng là chinh phục thế giới. Để tăng tính thuyết phục, thủ lĩnh IS còn giải thích rằng việc tạo lập nhà nước độc lập sẽ giúp thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người tham gia thánh chiến.
Tuy vậy, nhiều thủ lĩnh chóp bu ở Syria lúc đầu bác bỏ vì cho rằng al-Qaeda lâu nay không công khai kiểm soát bất cứ lãnh thổ nào và việc thành lập một quốc gia sẽ là lời mời gọi kẻ thù đến tiêu diệt. Thế nhưng, ý al-Baghdadi đã quyết. Sau đó, từng thủ lĩnh của các nhóm nổi dậy tại Syria đứng trước al-Baghdadi và tuyên thệ trung thành với hắn ta. Vài ngày sau, các tay chân của những thủ lĩnh trên cũng hành động tương tự.
IS hiện vẫn chiếm đóng nhiều vùng của Iraq và Syria AFP
Đối với tổ chức al-Nusra và thủ lĩnh al-Jolani, sự việc trên quả là thảm họa vì từ nay, al-Nusra sẽ không còn ảnh hưởng tới các tổ chức Hồi giáo khác tại Syria. Jolani đã lệnh cho các tay súng al-Nusra không gia nhập IS cho đến khi al-Baghdadi công bố người lãnh đạo nhóm tại Syria. Thế nhưng, đa số chỉ huy và tay súng của al-Nusra không tuân lệnh. Khi Abu Ahmad đến thăm Aleppo chỉ vài tuần sau đó, khoảng 90% tay súng al-Nusra tại thành phố này đã gia nhập IS. Các tân binh của al-Baghdadi cũng yêu cầu một số tay súng trung thành với al-Nusra còn lại rời Bệnh viện al-Oyoun, vốn là cứ địa chính của Nusra tại Aleppo. Khắp mọi nơi tại miền bắc Syria, IS chiếm giữ các trụ sở, kho đạn… của al-Nusra, mở ra một thời đại mới của IS.
Abu Ahmad sinh trưởng trong một gia đình bảo thủ người Sunni ở một thành phố thuộc miền bắc Syria, theo tờ Foreign Policy. Khi Ahmad đang là sinh viên thì cuộc bạo loạn nổ ra tại Syria vào tháng 3.2011. Theo chân bạn bè, Ahmad cũng xuống đường biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad. Giữa năm 2012, cuộc bạo loạn trở thành nội chiến, Ahmad quyết định cầm súng chiến đấu. Ahmad gia nhập một nhóm nổi dậy, với thành viên hầu hết là người Syria cùng một số tay súng đến từ châu Âu và Trung Á. Cứ mỗi vài tháng, nhóm của Ahmad thay đổi tên hoặc kết hợp với nhóm thánh chiến khác.
Nhưng vào mùa xuân năm 2013, Ahmad chọn tham gia Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) khi tổ chức này chính thức vươn vòi sang Syria. Đến tháng 6.2014, ISI sáp nhập thành công các tổ chức cực đoan tại Syria và chính thức đổi tên, dẫn tới sự ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như hiện nay. Ahmad hiện vẫn còn hoạt động trong IS nên danh tính thật đã được các phóng viên tờ Foreign Policy thay đổi nhằm bảo vệ nhân thân của người này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.