Hình ảnh chưa từng có về thời khắc hố đen xé toạc một ngôi sao

28/09/2019 08:00 GMT+7

Trong lúc săn lùng các hành tinh mới, kính viễn vọng TESS của Cơ quan không gian vũ trụ Mỹ (NASA) đã thu được khoảnh khắc một hố đen “xé xác” nạn nhân của nó là một ngôi sao thành những mảnh vụn.

TESS đã cho phép các nhà khoa học chứng kiến hiện tượng nghẹt thở trong lúc nó đang diễn ra, đánh dấu lần đầu tiên giới thiên văn học Trái đất có thể theo dõi trực tiếp sự kiện vô cùng hiếm hoi này.
Giới chuyên gia gọi hiện tượng trên là sự gián đoạn thủy triều. Chúng chỉ diễn ra một lần trong mỗi 10.000 đến 100.000 năm ở thiên hà có kích thước như Dải Ngân hà của chúng ta.
“Dữ liệu của TESS cho phép chúng ta thấy được chính xác quá trình phá hủy, được đặt tên là ASASSN-19bt, vào giai đoạn nó bắt đầu sáng bùng lên, vốn chưa từng được quan sát trước đây”, theo trang Phys.org dẫn lời chuyên gia Thomas Holoien, nghiên cứu sinh của Đài quan sát thiên văn Carnegie ở Pasadena, bang California.
Sự kiện ban đầu được phát hiện từ hồi đầu năm nhờ vào ASAS-SN, một hệ thống gồm 20 kính viễn vọng khác nhau. Dựa trên thông tin này, giới thiên văn học trên toàn cầu lâm vào tình trạng cảnh báo cao độ để có thể kịp thời theo dõi ASASSN-19bt vào thời điểm nó diễn ra.

Mô phỏng thời điểm một ngôi sao đến sát một hố đen

NASA

Sau khi tiếp nhận thông tin, chuyên gia Holoien xoay 2 kính thiên văn về hướng sự kiện và đề nghị được các kính viễn vọng khác hỗ trợ.
TESS đã ghi công lớn khi cuối cùng thu được những hình ảnh quý báu về hiện tượng mà trước nay vẫn chỉ được nhắc đến trong giả thuyết.
“Dữ liệu ban đầu của TESS cho phép chúng tôi thấy được ánh sáng đang ở rất gần hố đen, khoảng cách gần nhất từ trước đến nay”, theo ông Patrick Vallely, đồng tác giả báo cáo và là nghiên cứu sinh của Đại học bang Ohio.
Sự gián đoạn thủy triều vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Chẳng hạn, giới thiên văn học không rõ tại sao hố đen trong lúc “ngốn ngấu” ngôi sao lại phun ra quá nhiều tia cực tím nhưng lại quá ít tia X.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.