Hỗ trợ cải cách lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

21/06/2017 17:20 GMT+7

Thanh Niên trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam về triển vọng hợp tác, hỗ trợ giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Vào ngày 21.6, chúng tôi cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chứng kiến lễ ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam và khởi động cơ chế đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các đối tác phát triển để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển tiếp sang một chính sách năng lượng bền vững hơn.

Đại sứ Bruno Angelet Phái đoàn EU tại Việt Nam cung cấp
       
Bằng cách này, chúng tôi cùng nỗ lực để giúp Việt Nam thực hiện cam kết của mình về chống biến đổi khí hậu. Cùng với bạn bè và các đối tác của mình, EU rất quyến tâm thực thi một cách tốt nhất Hiệp định Paris được thông qua vào tháng 11.2015 và xác định rõ chiến lược quốc tế của mình về chống biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu nhận được hỗ trợ lớn nhất của chúng tôi trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Tài trợ 350 triệu euro

Chương trình hợp tác về năng lượng của chúng tôi với Việt Nam là chương trình lớn nhất của chúng tôi bên ngoài châu Âu, với giá trị 350 triệu euro tài trợ không hoàn lại - không phải là các khoản vay - cho tới năm 2020. Trước tiên, chúng tôi hỗ trợ chính phủ trong việc đưa điện tới các khu vực nghèo và hẻo lánh nhất của Việt Nam. Đồng thời, thông qua Đối thoại Đối tác Năng lượng với chính phủ, chúng tôi thiết kế các giải pháp giúp tăng tiết kiệm năng lượng, cấu phần năng lượng, và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, EU cũng cung cấp hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết cho các vấn đề chính sách, đồng tài trợ các dự án thí điểm, hoặc hỗ trợ các sáng kiến địa phương.

Chính sách năng lượng của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn. Tính đến năm 2015, khoảng 98% số hộ gia đình đã được dùng điện lưới: một kỷ lục nổi bật so với các nước trong khu vực. Nhiều đập thuỷ điện của Việt Nam đã sản xuất ra năng lượng xanh. Việt Nam có một ngành công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ phát triển. Các mỏ khí của Việt Nam đang phục vụ phát điện và tiêu dùng điện năng của các hộ gia đình.

Nhưng chính sách này đang gặp nhiều thách thức lớn: nhu cầu về điện tăng tăng cao; sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu năng lượng bao gồm cả than; ô nhiễm gia tăng (trên mức trung bình của khu vực); không đủ nguồn nướcđể đáp ứng cả nhu cầu phát điện và nông nghiệp. Hơn nữa, nguồn tài chính công đang gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc xem xét cải tổ cơ cấu lĩnh vực năng lượng là đúng lúc. Chúng tôi có thể giới thiệu các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt của quốc tế để giúp chính phủ tìm ra các giải pháp tốt nhất có thể cho tương lai. Trong quá trình này, điều then chốt là tham vấn xã hội dân sự và các doanh nghiệp bởi vì họ ở vị thế phù hợp giúp hài hòa hóa các nhu cầu kinh tế và nhu cầu của địa phương với các giải pháp khả thi, hiệu quả, bền vững và công bằng về mặt xã hội.

Chính phủ Việt Nam đang xác định khuôn khổ cho hoạt động của chúng tôi thông qua nhiều văn kiện chính sách như: "Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo" năm 2015, "Tổng sơ đồ Điện 7 sửa đổi" năm 2016, "Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời" tháng 4.2017 áp dụng giá ưu đãi cho năng lượng tái tạo (giá FiT) đối với điện mặt trời, và một thông tư sắp được ban hành nhằm điều tiết Phát triển các dự án năng lượng mặt trời và Hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) cho các dự án năng lượng mặt trời. Chúng tôi cũng đang xem xét việc thiết kế một cơ chế đo lường điện năng để hỗ trợ việc nhân rộng các thiết bị năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà.

Kinh nghiệm thành công từ EU
EU có khả năng cung cấp hỗ trợ là nhờ vào những thành công của mình. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua Chiến lược Năng lượng EU 2020 và thành lập một Liên minh năng lượng để biến châu Âu thành nhà tiên phong trong tiết kiệm năng lượng, an ninh năng lượng, năng lượng với giá cả phải chăng và năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang kết hợp các nguồn lực, kết nối các mạng lưới, và đa dạng hoá các nguồn năng lượng. Chúng tôi tăng tính tự chủ mang tính chiến lược bằng cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Chúng tôi đặt ra những mục tiêu tham vọng cho đến năm 2020, trong đó có nhiều mục tiêu đã đạt được trước hạn định. Những mục tiêu này bao gồm giảm 20% phát thải khí nhà kính (so với mức của năm 1990). Tăng 20% thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, và tăng tiết kiệm năng lượng 20%.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Paris (còn được gọi là COP21), chúng tôi thậm chí còn đưa ra mục tiêu cao hơn rất nhiều. Chúng tôi đã cam kết giảm 80% phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo gần đây đã làm cho điều này trở thành một mục tiêu trong tầm tay. Nhiều người Việt Nam cho rằng chiến lược này chỉ phù hợp với các nước giàu có. Tuy nhiên các con số thuyết phục về năng lượng tái tạo lại cho thấy điều ngược lại. Năm 2015, việc giảm nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch đã giúp chúng tôi tiết kiệm được 16 tỉ euro. Con số này có thể lên tới 58 tỉ euro mỗi năm vào năm 2030. Năm 2014, doanh thu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của chúng tôi đạt 144 tỉ euro. Ngành này cũng tạo ra hơn một triệu việc làm.

Chúng tôi đã chứng minh được rằng tăng trưởng kinh tế của châu Âu, mà ngày nay đang ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, không những không bị cản trở mà còn được thúc đẩy bởi việc xanh hoá nền kinh tế bao gồm cả việc đầu tư ưu tiên vào năng lượng tái tạo trong giai đoạn đầu.Không phải là đầu tư công mà là một khuôn khổ pháp lý và việc thực thi phù hợp mới là điểu chính yếu đảm bảo thành công. Hai yếu tố này giúp tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn, tạo việc làm và kỹ năng, làm cho các thành phố trở nên sạch hơn, và tăng thu nhập cho các hộ gia đình và nông dân.

tin liên quan

Điện than hay điện gió?
Các chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ là trụ cột mới trong chiến lược của các quốc gia vì giá ngày càng rẻ.
Cần có nỗ lực từ cả hai phía cung và cầu: các hộ gia đình có thể sản xuất điện phục vụ nhu cầu của mình bằng các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và bán phần không dùng hết vào lưới điện. Chất thải nông thôn và đô thị có thể sinh ra tiền nếu được chuyển thành điện. Các toà nhà được cách nhiệt tốt hơn có thể tiết kiệm tới 30% chi phí chạy điều hoà. Các loại xe chạy điện có thể được ưu tiên trong các thành phố. Áp giá điện theo mức thu nhập có thể giúp đảm bảo quá trình cải cách duy trì công bằng xã hội. Nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả  tiền" sẽ gắn chi phí ô nhiễm môi với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, nhằm ép các đối tượng này phải thay đổi hành vi, thay vì tiếp  tục làm hại dân chúng.

Các biện pháp này đã phát huy tác dụng tốt tại châu Âu. Nó có thể tạo cảm hứng cho các cải cách tại Việt Nam. Đổi mới đã đưa Việt Nam thoát nghèo. Nay đất nước đang chuẩn bị cho quá trình chuyển sang một giai đoạn phát triển bền vững hơn,  do vậy việc phát triển công nghiệp của đất nước phải phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây có thể là thành tựu lớn tiếp theo của Việt Nam. Tham vọng lớn nhất của EU là bảo đảm rằng Việt Nam cũng sẽ thành công trong lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.