Hòa bình Ukraine có cứu được kinh tế Nga?

12/02/2015 13:01 GMT+7

(TNO) Giá dầu vẫn là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất, tuy nhiên một thỏa thuận đạt được ở Minsk, Belarus tới đây vẫn tác động ít nhiều đến tình hình kinh tế Nga, The Moscow Times cho biết.

(TNO) Giá dầu vẫn là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất, tuy nhiên một thỏa thuận đạt được ở Minsk, Belarus tới đây vẫn tác động ít nhiều đến tình hình kinh tế Nga, The Moscow Times cho biết.

Vấn đề giao tranh ở miền đông Ukraine tiếp tục là chủ đề bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước Nga, Đức, Ukraine và Pháp tại thủ đô Minsk của Belarus hôm nay (12.2).
Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Reuters
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về “cơ hội đàm phán”. Theo đó, ông Obama cho rằng ông Putin nên tận dụng cơ hội đem lại hòa bình cho Ukraine để đổi lấy một nền kinh tế Nga khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, phía Nga nghĩ gì về giá trị của nền hòa bình Ukraine với nền kinh tế của họ? Tờ The Moscow Times hôm 11.2 đã có bài luận về các tác động chính từ cuộc đàm phán ở Minsk đến sự phục hồi kinh tế của Nga.
Niềm tin trên thị trường
Một thỏa thuận đạt được tại Minsk sẽ có tác động ngay lập tức đến thị trường chứng khoán ở Nga cũng như diễn biến tỉ giá của đồng rúp so với USD, The Moscow Times nói.
Theo đó tờ báo Nga này ghi nhận sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán Nga vài ngày qua. Đây là chuyển biến trùng khớp với kế hoạch và các thông tin ngoại giao, đối thoại giữa Moscow, Berlin, Kiev và Washington.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá một sự chuyển biến thực sự chỉ xảy ra khi xuất hiện cam kết đủ “nghiêm túc” tại Minsk.
Lý giải cho điều này, The Moscow Times dẫn thống kê cho thấy giá trị đồng rúp vẫn không cải thiện kể cả khi quân đội Ukraine và phiến quân ở miền đông nước này ký thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9 năm ngoái. Đơn giản cam kết ngừng bắn ấy không được thực hiện, dẫn tới các cuộc giao tranh tiếp diễn gây mất niềm tin. Ngay trước cuộc đối thoại đa phương ở Minsk lần này, giao tranh ở Ukraine vẫn không hạ nhiệt.
Bất kỳ sự đồng thuận nào ở Minsk cũng sẽ có “tác dụng yếu trên thị trường vì thị trường sẽ không tin tưởng sâu sắc (vào các thỏa thuận này) cho đến khi có bước ngoặt nghiêm túc cho việc thực hiện các cam kết”, Maxim Osadchy, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Ngân hàng Tài chính nói.
Tháo gỡ lệnh trừng phạt?
Theo thông tin từ Reuters tuần trước, các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) lên Nga có thể bãi bỏ nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp trong cuộc gặp ở Minsk.
Đây có thể xem là vụ “trao đổi” sòng phẳng giữa điện Kremlin với EU và Mỹ. Hồi đầu năm nay, EU đã thông qua lệnh trừng phạt mở rộng với Nga, làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này.
Các quy định trừng phạt đã hạn chế việc làm ăn của doanh nghiệp Nga tại Mỹ và EU, chặn các cuộc hợp tác về năng lượng và quốc phòng. The Moscow Times dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov tháng trước cho rằng “những cú sốc từ bên ngoài” bao gồm cả biện pháp trừng phạt và giá dầu giảm đã khiến Nga hao hụt khoảng 200 tỉ USD.
Kinh tế Nga gặp khó vì giá dầu và lệnh trừng phạt của châu Âu - Ảnh: Reuters
Nói cách khác nếu giá dầu là yếu tố sống còn của nền kinh tế Nga, việc đàm phán tốt đẹp tại Minsk cũng ít nhất hứa hẹn tháo gỡ vấn đề lớn còn lại: Lệnh trừng phạt của châu Âu. Đó sẽ là lối thoát đáng cân nhắc cho Nga trong việc phục hồi kinh tế.
“Nó có thể giảm bớt áp lực lên nền kinh tế Nga trong năm nay và năm tới”, Oleg Kouzmin, kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu, đầu tư Renaissance Capital tại Moscow cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.