Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc còn nhấn mạnh đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar nên được áp dụng ngay lập tức, theo AFP. Đồng thuận này đạt được trong hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước ASEAN ở Indonesia hôm 24.4.
Tuyên bố trên được thông qua sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an và các nước phương Tây buộc phải nhượng bộ Trung Quốc và Nga. Hai nước này trước đó đã yêu cầu Hội đồng Bảo an xóa bỏ các cụm từ trong dự thảo tuyên bố do Anh soạn là “một lần nữa cực lực lên án bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa” và “tái kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa”, theo AFP dẫn lời một số nhà ngoại giao.
Trong tuyên bố được thông qua, Hội đồng Bảo an nhấn mạnh “hoàn toàn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN” và khuyến khích Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đến thăm Myanmar "càng sớm càng tốt”.
Trong cuộc họp kín nói trên, bà Schraner Burgener đưa ra báo cáo về cuộc gặp giữa bà với lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing, diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 24.4. Bà Burgener cảnh báo rằng tình trạng bạo lực ở Myanmar ngày càng tồi tệ hơn.
Cuộc họp kín nói trên do Việt Nam triệu tập để trình bày kết luận từ hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 24.4, theo AFP. Từ ngày 1.4 (giờ New York), Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4.2021.
Đây là lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021, theo tin từ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Reuters dẫn số liệu từ Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho hay đã có gần 760 dân thường thiệt mạng và hơn 3.400 người bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar kể từ cuộc chính biến ngày 1.2. Trong khi đó, chính quyền quân sự Myanmar ngày 15.4 khẳng định 258 dân thường thiệt mạng và những con số khác đã bị thổi phồng.
Bình luận (0)