Theo đó, các phi công thuộc đơn vị điều vận (logistics) Ogden, căn cứ không quân Hill ở bang Utah (Mỹ), đã lái 6 tiêm kích F-16C từ đây bay qua Thái Bình Dương, ghé Hawaii, Guam rồi đến Indonesia bàn giao cho Không quân Indonesia. Tuy nhiên theo Jakarta Post, chỉ có 4 chiếc F-16C đến căn cứ không quân Iswahjudi ở Magetan, Đông Java (Indonesia) ngày 12.12, vì có 2 chiếc bị trục trặc kỹ thuật phải ở lại Guam để sửa chữa.
Nâng cấp từ F-16 hết hạn dùng
|
Số máy bay F-16 mà Mỹ giao cho Indonesia nằm trong chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ, được hai nước ký kết hồi tháng 1.2012. Theo đó, Mỹ cung cấp cho Indonesia 24 tiêm kích F-16 gồm 19 chiếc F-16C (1 chỗ ngồi) và 5 chiếc F-16D (2 chỗ ngồi) đã qua sử dụng. Số máy bay này nguyên của Không quân và Vệ binh quốc gia Mỹ, đã hết thời hạn phục vụ và được lưu giữ tại nghĩa địa máy bay ở căn cứ Davis-Monthan (Tucson, bang Arizona).
Phía Indonesia đồng ý chi trả 670 triệu USD để đơn vị Ogden đưa 24 máy bay F-16 khỏi nghĩa địa máy bay về căn cứ Hill để tân trang, thay cánh mới, lắp đặt mới hệ thống điều khiển điện tử, hệ thống điều khiển vũ khí và nâng cấp lên thành chuẩn Block 50/52 so với chuẩn Block 25 ban đầu của số máy bay này (sản xuất từ những năm 1990).
Đây là hợp đồng cung cấp vũ khí lớn nhất từ chương trình EDA của Mỹ dành cho Indonesia những năm gần đây. Theo Defense News, số máy bay này được trang bị mới hệ thống truyền dữ liệu Link 16, máy tính mới, radar AN/ALR-69 (dùng phát hiện tín hiệu radar đối phương), hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-213...
Những chiếc F-16 đầu tiên về Indonesia vào giữa năm 2014, sau đó là các đợt giao hàng vào năm 2015, 2016, tháng 3.2017. Trong thời gian này, có 1 chiếc F-16C bị sự cố bốc cháy khi chuẩn bị cất cánh tại căn cứ Halim Perdanakusuma gần thủ đô Jakarta vào tháng 4.2015 do mặt bằng đường băng kém chất lượng. Chiếc F-16C này xem như bị loại bỏ. Ngoài ra còn có 2 trường hợp F-16 bị trượt khỏi đường băng khi cất cánh.
Với việc nhận 23 chiếc F-16 C/D, sức mạnh của Không quân Indonesia được gia tăng thêm. Defense News cho biết hiện Không quân Indonesia đang sử dụng 16 chiếc tiêm kích Su-27SK và Su-30MK2 mua của Liên Xô và Nga. Nước này cũng đang đàm phán mua thêm loại Su-35 của Nga nhưng chưa chốt hợp đồng. Indonesia còn có 8 chiếc F-16A/B mua của Mỹ từ những năm 1980.
Sắm thêm trực thăng, chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm
Vào ngày 18.12, ba chiếc trực thăng chiến đấu AH-64E Apache Guardian (hãng Boeing sản xuất) đầu tiên đã được máy bay vận tải C-17 chở đến Semarang, phía bắc đảo Java (Indonesia). Đây là những chiếc Apache đầu tiên trong lô hàng 8 chiếc Indonesia mua của Mỹ vào tháng 9.2012 qua chương trình cung cấp vũ khí cho nước ngoài của Mỹ (FMS). Lô hàng này có tổng giá trị lên đến 1,42 tỉ USD gồm 8 trực thăng AH-64E Apache Guardian (trị giá 296 triệu USD) cùng phụ tùng thiết bị, radar điều khiển hoả lực AN/APG-78 Longbow, và 140 quả tên lửa chống tăng AGM-114R3 Hellfire.
|
|
Theo yêu cầu của FMS, Indonesia chỉ được sử dụng số vũ khí này để bảo vệ biên giới, lãnh hải, chống khủng bố, chống hải tặc, bảo đảm tàu bè tự do lưu thông qua eo biển Malacca. Một số chiếc còn được bố trí ở trên đảo Natuna.
Hãng Boeing cũng đang đàm phán cung cấp trực thăng vận tải CH-47F Chinook cho Indonesia.
Ngoài ra, trên website của Không quân Indonesia ngày 12.12 đưa tin cho biết lực lượng này sẽ gia tăng thêm 3 phi đội chiến đấu cơ trong kế hoạch tăng cường sức mạnh không quân, thêm 4 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy, 4 máy bay tiếp dầu trên không, một số thuỷ phi cơ.
Việt Nam - Mỹ hợp tác huấn luyện, đào tạo phi công
Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 14.12 tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiếp xã giao Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy đã thông báo kết quả buổi làm việc trước đó giữa Đoàn Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam; trong đó hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước thời gian tới như hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y, huấn luyện, đào tạo phi công… Được biết, hồi tháng 5.2016, Defense News có bài viết nói rằng Việt Nam có ý định mua tiêm kích F-16 và máy bay tuần tra biển P-3 từ chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc. Theo đó Việt Nam muốn mua F-16 tương tự loại Mỹ cung cấp cho Indonesia, và máy bay P-3 tương tự loại cung cấp cho Đài Loan. Tuy nhiên thông tin mà Defense News nhận được lại là nguồn tin ẩn danh. Gần đây nhất, thông qua chương trình EDA, Mỹ cung cấp 1 tàu tuần tra lớp Hamilton đã hết hạn dùng cho Cảnh sát biển Việt Nam, đó là chiếc CSB 8020, về Vũng Tàu (Việt Nam) ngày 14.12 và chính thức biên chế cho Vùng Cảnh sát biển 3 vào ngày 16.12. |
Bình luận (0)