Hồi tháng trước, tàu ngầm KRI Nanggala-402 của hải quân Indonesia chìm trong lúc tham gia tập trận ở ngoài khơi đảo Bali, khiến tất cả 53 người trên tàu thiệt mạng. Theo đó, Indonesia hiện chỉ còn 4 chiếc tàu ngầm và vừa đặt mục tiêu nâng số tàu này lên 12 chiếc.
Nếu số tàu ngầm Indonesia có thể được tăng lên mức nhắm tới như trên, số tàu đó có thể đảm nhiệm hoạt động giám sát ở những khu vực mà các tàu tuần tra khó thực hiện nhiệm vụ, theo chuyên gia Khairul Fahmi thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và chiến lược ở Indonesia. Ông còn cho rằng việc tàu ngầm gia tăng giám sát sẽ giúp giảm sự hiện của các tàu nước ngoài ở quần đảo Natuna.
Indonesia ngày càng trở nên cảnh giác đối với những vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kể từ khi tàu hải cảnh Trung Quốc hồi năm 2016 ngăn cản tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển phía bắc quần đảo Natuna, ở phía nam Biển Đông.
Trong năm qua, Jakarta cũng trở nên cảnh giác hơn với tình trạng tàu khảo sát Trung Quốc đi qua vùng biển Indonesia ngày càng nhiều. Mới đây, trong tháng 1.2021, Trưởng phát ngôn viên Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) Wisnu Pramandita khẳng định hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của một tàu khảo sát Trung Quốc không hoạt động trong 2 lần khi đi qua vùng biển xung quanh Natuna. AIS là hệ thống theo dõi cung cấp thông tin về vị trí của tàu. Những tàu khảo sát của Trung Quốc bị tình nghi thả thiết bị không người lái được dùng để vẽ bản đồ đáy biển và những điều kiện khác có lợi cho tác chiến tàu ngầm.
Sau vụ chìm tàu ngầm nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tỏ dấu hiệu rằng nước này sẽ đầu tư vào khí tài quân sự. Về tàu ngầm, Indonesia đang theo đuổi một thỏa thuận sản xuất chung với Hàn Quốc, trong khi Pháp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngỏ lời xuất khẩu loại tàu này. Nhật cũng đang xem xét ý tưởng bán tàu ngầm cho Jakarta. Ngoài ra, Indonesia còn có kế hoạch mở rộng đội khinh hạm, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)