Khai thác kim cương dưới lớp băng vĩnh cửu

16/07/2019 19:00 GMT+7

Yakutia (vùng Siberia, Nga) - nơi có mùa đông khắc nghiệt nhất nhì thế giới cũng chính là quê hương của những mỏ kim cương khổng lồ dưới lớp băng vĩnh cửu.

Nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở Yakutia thường xuyên thấp dưới -35°C, và mỗi năm khu vực lại chìm trong đêm tối của mùa đông đến 9 tháng. Ngoài khí hậu khắc nghiệt, nơi đây còn được chú ý vì các mỏ kim cương khổng lồ, được cho là đủ sức đảm bảo vị thế của Nga trong lĩnh vực sản xuất đá quý toàn cầu.

“Quái vật” Mir

Theo AFP, 11 trong số 12 mỏ ở đây thuộc về nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới là Tập đoàn Alrosa của Nga. Hiện mỏ cho sản lượng lớn nhất thuộc tập đoàn này là Botuobinskaya, với độ sâu 130 m và có kế hoạch mở rộng đến 580 m, cho phép khai thác đều đặn tới năm 2041. Tuy nhiên, biểu tượng nổi tiếng nhất của hoạt động khai thác đến choáng ngợp của con người tại Yakutia chính là miệng hố rộng đến 1,2 km của khu mỏ Mir tạm thời bị bỏ hoang.
Tháng trước, Hãng RT công bố đoạn clip quay bằng thiết bị bay không người lái (UAV) bên trên mỏ Mir khổng lồ. Bất chấp tin đồn cho rằng nó có thể nuốt chửng bất kỳ trực thăng nào bay vào miệng hố, chiếc UAV vẫn có thể “đào thoát” an toàn sau khi ghi lại những hình ảnh ấn tượng. Mỏ Mir là một trong những hố sâu lớn nhất thế giới mà con người khai thác, với độ sâu đến 525 m, gần bằng 2 tháp Eiffel chồng lên nhau. Kích thước thuộc tầm “quái vật” này cho phép các phi hành gia trên Trạm không gian quốc tế có thể quan sát mỏ Mir từ quỹ đạo trái đất.
Bắt đầu khai thác từ năm 1957, nơi đây cho ra lò khoảng 10 triệu carat kim cương mỗi năm. Một trong những viên đá quý ấn tượng nhất từng xuất xứ từ khu mỏ này có kích thước lên đến 342,57 carat, màu vàng chanh tuyệt đẹp và được đặt tên vô cùng nghiêm túc: “Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 26”. Dù hoạt động khai thác mỏ lộ thiên đã ngừng từ năm 2001, công việc vẫn được tiếp tục bên dưới lòng đất cho đến tháng 8.2017, thời điểm hố khổng lồ bị ngập nước sau đợt lũ quét nghiêm trọng. Theo Sputnik, Tập đoàn Alrosa đang cân nhắc khả năng khởi động lại khu mỏ vì tiềm năng quá lớn của nó.
Khai thác kim cương dưới lớp băng vĩnh cửu1

Miệng mỏ Mir khổng lồ ở thành phố Mirny

Ảnh: Reuters

Kim cương dưới băng

Bên trong các hầm mỏ, nhiệt độ xuống -55°C vào mùa đông, buộc các thợ mỏ phải tăng lượng chất nổ để phá vỡ lớp băng vĩnh cửu vào lớp đất nếu muốn khai thác được kim cương. Phó quản đốc mỏ Botuobinskaya, ông Mikhail Dyachenko thừa nhận các cỗ máy chịu áp lực rất lớn từ môi trường quá khắc nghiệt, nhưng họ vẫn tìm được cách xoay xở. “Con người có thể thích ứng được với mọi thứ, đa số thợ mỏ đều là người địa phương nên họ nắm rõ thời tiết kiểu này”, AFP dẫn lời ông Dyachenko nói. Hầu hết 35.000 cư dân ở thành phố Mirny đều đang làm việc cho Alrosa, và khoảng 40% số thuế thu được tại khu vực đến từ hoạt động khai thác kim cương.
Mỗi chuyến đi xuống mỏ sâu phải mất khoảng 1 giờ và mỗi tấn đất chứa khoảng 6,2 carat kim cương. Sau khi hoàn tất công đoạn phân loại, kim cương thô được chở đi khắp thế giới trên các chuyến bay bí mật. Một số được chuyển về các trung tâm ở thủ đô Moscow và thành phố miền tây Smolensk. Toàn bộ quá trình khai thác và vận chuyển phải được giữ kín và bảo vệ cẩn mật. Tuy vậy, vẫn có trường hợp nhân viên lén lấy cắp kim cương có khi mang giá trị lên đến hàng triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.