Khó khăn vì đại dịch, người nghèo Indonesia liều mình đãi vàng trái phép

23/09/2020 14:26 GMT+7

Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nền kinh tế, nhiều người dân Indonesia đổ xô đãi vàng trái phép.

Nhu cầu về vàng gia tăng ở Indonesia trong đại dịch Covid-19 và giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce hồi tháng rồi, theo AFP. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp gia tăng ở Indonesia.
Nhiều người dân Indonesia thất nghiệp vì đại dịch Covid-19 đã liều mình tham gia vào hoạt động khai thác vàng trái phép, bất chấp nguy cơ bị bắt giữ, mắc Covid-19, nhiễm trùng da và nhiễm độc thủy ngân.
Trong một trường hợp cụ thể, một người cha có hai con tên Mustafa cùng hàng trăm người đãi vàng trái phép dọc theo một con suối ở tỉnh Papua, Indonesia.
Nếu may mắn, ông Mustafa có thể khai thác được 1 gam vàng trong một ngày và bán cho thương lái với giá khoảng 800.000 rupiah (1,2 triệu đồng). Đây là khoản tiền không hề nhỏ tại một trong những vùng nghèo nhất Indonesia.
“Giá vàng tăng vọt, ngày càng có nhiều người như chúng tôi xuất hiện ở đây. Nhiều người thất nghiệp vì đại dịch cũng mạo hiểm đi đãi vàng trái phép. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác vì cần tiền để hỗ trợ gia đình", ông Mustafa nói.
Trong tháng này, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 400 phu vàng bị cáo buộc hoạt động trái phép trong khu bảo tồn Kalimantan trên đảo Borneo. Những người này có thể bị phạt tới 15 năm tù.

Phu vàng hoạt động bất hợp pháp, bất chấp nguy cơ bị bắt

AFP

“Thảm họa sinh thái”

Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng ông Sustyo Iriyono, một quan chức của Bộ Môi trường Indonesia, cho biết hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp tăng đột biến trên toàn quốc, bao gồm cả đảo Java đông dân cư và Sumbawa hẻo lánh.
Ông Iriyono nói: “Giá vàng tăng cao trong đại dịch Covid-19 là yếu tố kích thích hoạt động bất hợp pháp này. Họ khai thác vàng trái phép và phá hủy môi trường". 
Trong khi đó, nhà hoạt động vì môi trường Aiesh Rumbekwan ở tỉnh Papua (Indonesia) cho biết nhiều người tuyệt vọng vì đại dịch Covid-19, họ cần tiền để nuôi sống gia đình nên liều lĩnh khai thác vàng trái phép.
"Những người khai thác vàng bất hợp pháp thường sử dụng thủy ngân để tăng tốc quá trình đãi vàng. Điều này sẽ gây hại cho môi trường, nguồn nước và chính bản thân họ”, ông Rumbekwan lưu ý.
Indonesia cấm người khai thác vàng thủ công sử dụng thủy ngân kể từ năm 2017. Thủy ngân là kim loại nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây khuyết tật ở trẻ em sơ sinh.
Đến nay, Indonesia ghi nhận hơn 252.000 ca nhiễm và hơn 9.800 người chết vì Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.