Việc này rất khó khăn, nhưng dẫu vậy họ vẫn phải cố gắng để duy trì bởi nếu JCPOA vẫn được phía Iran tuân thủ và thực hiện thì đồng thời đạt được hai mục tiêu là kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và có thể tăng thêm thế trong quan hệ với Mỹ.
JCPOA được 7 bên ký kết, nhưng trong thực chất xoay quanh trục quan hệ giữa Mỹ và Iran. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp dụng lại rồi siết chặt hơn biện pháp cấm vận Iran, vấn đề đặt ra cho các bên còn lại là đảm bảo những lợi ích chính đáng của Iran ở việc tiếp tục tuân thủ và thực hiện thỏa thuận này.
EU đã chủ động thực thi một số ý tưởng nhưng chưa hiệu quả. Nga vẫn duy trì và tăng cường hợp tác với Iran trong khi Trung Quốc có thận trọng và dè chừng hơn. Tác dụng gộp lại là chưa đủ để bù đắp tổn hại của Iran từ sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Chính vì thế, Iran từng bước dần ngừng thực hiện cam kết trong JCPOA. Các bên này giờ phải “còn nước còn tát” vì ngày càng tiến gần tới thời điểm Iran không còn sự lựa chọn nào khác là rút khỏi JCPOA.
Cho tới nay, những nỗ lực của Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức vẫn theo hướng vừa thuyết phục Iran không từ bỏ vừa vận động và gây áp lực để Mỹ trở lại JCPOA. Kết quả đạt được rất ít ỏi. Cuộc gặp vừa rồi của 6 bên này ở Bỉ cho thấy họ vẫn tiếp tục nỗ lực nhưng chưa có được giải pháp giúp thoát ra khỏi bế tắc.
Bình luận (0)