Trung Quốc: 'Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế'

Thu Thảo
Thu Thảo
06/07/2018 13:06 GMT+7

Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Mỹ hôm nay 6.7, ngày mà thuế quan Mỹ áp lên 34 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực.

Theo CNN, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tuyên bố ngay sau khi thuế quan từ Mỹ có hiệu lực sau nửa đêm ở Mỹ (vốn là buổi trưa tại Đại lục): “Trung Quốc bị buộc phản công lại để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi và lợi ích của người dân”. Mức thuế quan 25% được chính quyền ông Trump đặt ra, nhắm vào các sản phẩm của Trung Quốc như máy móc công nghiệp, thiết bị y tế và phụ tùng ô tô.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc không cung cấp chi tiết về việc trả đũa. Bắc Kinh trước đó cho hay họ sẽ trả đũa thuế Mỹ bằng cách áp thuế lên lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ với giá trị tương đương, trong đó có mặt hàng xe SUV, thịt và hải sản.
[VIDEO] Trung Quốc nói Mỹ 'phát pháo' vào thương mại toàn cầu
Thậm chí trước hôm nay 6.7, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp phải cảnh báo về thiệt hại có thể có đối với lợi nhuận của họ, và giá cả cao hơn dành cho người tiêu dùng. Câu hỏi lớn lúc này là sự giận dữ giữa hai bên Washington và Bắc Kinh có thể đi xa đến mức nào.
Mỹ có kế hoạch áp thuế quan 25% lên 16 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối mùa hè này. Trung Quốc thì cam kết trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Giới kinh tế cho hay nếu chuyện “ăn miếng trả miếng” chỉ dừng lại ở đó, tác động tổng thể lên cả hai nền kinh tế sẽ là tối thiểu, dù một số ngành công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.
Song ông Trump lại tuyên bố Mỹ sẽ trả đũa thuế quan từ Bắc Kinh với làn sóng áp thuế quan lớn hơn nữa, kéo cao dự báo về đợt “ăn miếng trả miếng” tăng tiến, ngày càng nặng hơn. Hôm 5.7, ông gợi ý về khả năng áp thuế đến 500 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc khi trò chuyện với báo giới.
Con số trên cao hơn cả con số trong lời đe dọa trước đó mà ông Trump đưa ra, vốn là 450 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nó cũng lớn ngang ngửa mức 505 tỉ USD giá trị hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Đại lục trong năm 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các cố vấn của ông lập luận rằng thuế quan là cần thiết để buộc Trung Quốc phải từ bỏ các hành vi giao thương không công bằng, như trộm cắp tài sản trí tuệ và buộc doanh nghiệp Mỹ bàn giao công nghệ có giá trị. Bắc Kinh phủ nhận nước này sai, cho hay họ sẵn sàng chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến thương mại.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói với báo giới hôm 5.7: “Mỹ sẽ nổ súng trên toàn cầu và cũng sẽ tự nổ phát súng đầu tiên”. Ông Gao cảnh báo rằng thuế quan từ Mỹ sẽ làm tổn thương rất nhiều doanh nghiệp ngoại xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng đến giữa lúc chính quyền Tổng thống Trump cũng đang bất đồng với các đồng minh Mỹ, chẳng hạn như Canada và Liên minh châu Âu (EU). Thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ kéo theo các biện pháp trả đũa từ các nước. Chưa hết, ông Trump còn đe dọa áp thuế quan mới lên ô tô.
Lúc này, giới phân tích cho rằng thật khó để thấy Bắc Kinh hay Washington lùi bước trong tranh chấp.
Scott Kennedy, giám đốc Dự án Kinh doanh Trung Quốc và Kinh tế chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho hay: “Bằng cách đe dọa hành động đơn phương mà không có đồng minh hay không giảm bất hòa thương mại, chính quyền Tổng thống Trump đã mời Trung Quốc quyết đứng vững. Chính quyền ông Trump cũng tin rằng ít nhất chuyện khởi động chiến tranh thương mại là vì lợi ích nước nhà, và nền kinh tế Mỹ đủ khỏe để chịu một nếp nhăn trong lĩnh vực thương mại. Vị thế chính trị trong nước của Tổng thống Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết trong dàn lãnh đạo đảng Cộng hòa, và việc gay gắt với Trung Quốc trong vấn đề thương mại có thể giúp Mỹ khôi phục lại uy tín trong các vấn đề khác”.
CNN nhận định hai nền kinh tế số một hành tinh đang sẵn sàng để xem bên nào có thể chịu được nhiều tổn thương hơn. Thiệt hại cũng có thể lan sang các nền kinh tế khác, làm tổn thương niềm tin doanh nghiệp và khiến các công ty trì hoãn đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.