Cuộc viếng thăm Nhà Trắng cho chúng tôi hình dung cơ bản về nơi ở và làm việc của tổng thống Mỹ. Từ Nhà Trắng, chúng tôi đi dọc đại lộ Pennsylvania dẫn đến đồi Capitol – nơi tọa lạc của tòa nhà Quốc hội Mỹ - để qua đó có một cái nhìn tổng quát hơn về chính quyền đang điều hành đất nước khổng lồ này.
Đại lộ Pennsylvania, hay còn gọi là “đường phố chính của nước Mỹ”, là đường phố mang nhiều tính biểu tượng. Con đường này nối liền Nhà Trắng với tòa Capitol và là nơi mà các vị tổng thống Mỹ diễu hành trong lễ nhậm chức.
Nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở cực đông của khu công viên quốc gia, tòa nhà Capitol được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 này là nơi làm việc của các nghị sĩ. Cùng với lịch sử nước Mỹ, tòa Capitol đã trải qua bao thăng trầm. Nó đã bị tàn phá trong cuộc chiến tranh năm 1812. Rồi suốt dọc thế kỷ 20, trung tâm quyền lực của nước Mỹ đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ đánh phá.
Khách tham quan tòa Capitol và tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ |
Dưới ánh nắng mùa thu, tòa Capitol trắng toát, hiện lên lừng lững một góc thành phố Washington tuyệt đẹp. Trên mái vòm đặc trưng của nó là bức tượng một phụ nữ cầm gươm, gọi là Tượng Tự do. Tượng quay lưng ra cổng, hướng mặt về phía mặt trời mọc. Đây là bức tượng cao nhất ở khu vực D.C, như một sự ngụ ý rằng không có gì cao quý hơn tự do.
Kích thước đồ sộ của tòa Capitol so với Nhà Trắng cũng như vị trí nằm trên đồi Capitol (so với Nhà Trắng nằm trên một vùng đất thấp) có lẽ là ngụ ý đề cao quyền lực của nhân dân. Và trên thực tế thì điều này cũng được thể hiện bởi các quy định, chẳng hạn như Capitol không phải là nơi mà tổng thống có thể đến bất cứ lúc nào. Tất nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với tổng thống Mỹ, còn với dân chúng thì tòa Capitol xem ra khá rộng cửa.
Khi đến đây vào một buổi sáng trời nắng nhưng se lạnh của mùa thu Washington, tôi đã bắt gặp những dòng người xếp hàng để vào tham quan Capitol. Từ sau vụ khủng bố 11.9.2001, công tác an ninh được siết chặt hơn. Tất cả khách tham quan Capitol đều phải trải qua thủ tục kiểm tra an ninh kỹ lưỡng, điều tương tự như hầu hết các cơ quan chính quyền liên bang tại Washington, D.C. Khách tham quan tòa nhà Quốc hội không được mang theo vũ khí, chai lọ, đồ ăn...
Dù công tác an ninh được siết chặt, nhưng nhìn chung khách vẫn có thể vào bên trong tòa Capitol khá thoải mái. (Sau này, khi tới thủ phủ Austin ở Texas, tôi cũng gặp một hình ảnh tương tự tại tòa nhà Capitol của tiểu bang miền nam này).
Du khách chờ để vào tham quan trụ sở Quốc hội Mỹ - Ảnh: Đỗ Hùng |
Mỗi một bức tượng, tranh tường và cả cái mái vòm lồng lộng của tòa Capitol này đều là một câu chuyện về lịch sử nước Mỹ. Như bức tượng màu đen của nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King ở bên góc khu đại sảnh này là cả một câu chuyện dài về bình đẳng sắc tộc trong lòng đất nước rộng lớn này.
Trái tim quyền lực
Rảo qua đại sảnh nằm dưới mái vòm nổi tiếng, anh Andy Elias, Giám đốc Ban Phát thanh - Truyền hình ở Capitol - dẫn chúng tôi tiến vào bên trong hội trường Hạ viện. Căn phòng này là nơi các nghị sĩ họp hành, nơi tổng thống đọc Thông điệp Liên bang hằng năm và nơi diễn ra các cuộc giải trình liên quan đến chuyện quốc gia đại sự.
Trên những bức tường xung quanh phòng là hình đắp nổi các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, như chính trị gia thế kỷ 18 George Mason, cố Tổng thống Thomas Jefferson... Những hàng ghế trong phòng được xếp ngay ngắn, với bên phải dành cho các nghị sĩ Cộng hòa, bên trái dành cho nghị sĩ Dân chủ - một kiểu thể hiện quy ước tả - hữu trong chính trị.
Đứng trên bục, tôi lặng ngắm những dãy ghế vô tri mà trong đầu cứ vấn vương suy nghĩ. Đâu đó giữa mấy hàng ghế im lìm này là những lá phiếu đã thông qua các chính sách, văn bản luật có ảnh hưởng tới toàn nước Mỹ và thậm chí có tác động đến cả thế giới. Đâu đó giữa mấy hàng ghế này là những lá phiếu đã châm ngòi hoặc giúp chấm dứt các cuộc chiến tranh.
Đâu đó giữa những hàng ghế này là lá phiếu thông qua các chính sách cấm vận, hợp tác, Đạo luật Ái quốc mở đường cho cuộc chiến chống khủng bố. Giữa mấy hàng ghế lặng ngắt này có những chiến dịch cuồng nộ ở Afghanistan, Iraq, có cả những chính sách bình thường hóa quan hệ... Mới đây, dự luật cứu nguy thị trường tài chính trị giá 700 tỉ USD cũng đã đi qua căn phòng này.
Nhưng tòa nhà Capitol trắng toát, sừng sững không chỉ có chuyện nghị sự. Capitol còn có những dịch vụ kinh doanh độc nhất vô nhị. Đến thăm Ban Phát thanh - Truyền hình ở tòa Capitol, tôi đã được anh Elias dẫn đi tham quan và giới thiệu đôi nét về nhiệm vụ chính của cơ quan này. Trong một không gian khá chật chội kế bên hội trường Hạ viện là khu vực “cài cắm” của các đài truyền hình, hãng thông tấn.
Các đài lớn thường thuê những cabin làm việc rộng chừng 3-4m2 ở đây để tiếp nhận hình ảnh từ các cuộc họp Quốc hội, thực hiện các cuộc phỏng vấn nghị sĩ. Giá thuê lên tới vài ngàn USD mỗi tháng.
Sau này đến thăm Capitol ở Austin, tôi thấy ở đó họ còn mở dịch vụ ăn uống rất nhộn nhịp. Nhà hàng ở đó không chỉ phục vụ cho các nghị sĩ, quan chức mà còn là nơi mà thực khách bên ngoài cũng có thể vào nhâm nhi và tranh thủ thăm thú cơ quan hành pháp bang.
Theo thống kê của bộ phận phụ trách viếng thăm của tòa Capitol, mỗi năm nơi đây đón chừng 3.000.000 lượt khách. Để phục vụ lượng khách ngày một nhiều, hiện người ta đang xây dựng một trung tâm tham quan ở phía đông tòa Capitol với kinh phí hơn 600 triệu USD. Việc thăm đồi Capitol là hoàn toàn miễn phí và hiện vé miễn phí cũng đã được phát hành thông qua mạng internet. Tất nhiên, ngoài việc chiêm ngưỡng các tác phẩm kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc, du khách còn có cơ hội hiểu thêm về lịch sử, về bộ máy chính quyền liên bang Mỹ. Và có lẽ đây mới là yếu tố chính khiến đồi Capitol luôn đông du khách. |
Đỗ Hùng
Kỳ 1: Gã khổng lồ - nhìn từ xa
Bình luận (0)