Các động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên khiến Mỹ vội triển khai hàng loạt biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ - Ảnh: Reuters |
CHDCND Triều Tiên mới đây lại phóng thành công tên lửa đẩy mang vệ tinh lên không gian, một công nghệ tương tự dùng để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Điều này cho thấy chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng ngày càng đáng tin cậy.
Đô đốc Bill Gortney, Chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), hồi năm 2015 từng nhấn mạnh Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Ông Gortney cũng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08, vốn có tầm bắn ít nhất 10.000 km. Đây là hệ thống vũ khí di động được đặt trên xe tải 16 bánh có thể phóng một hoặc nhiều tên lửa tại bất cứ địa điểm nào.
Hiểm họa trước mắt
Theo chuyên san The National Interest (Mỹ), các đánh giá sơ bộ cho thấy vệ tinh được Triều Tiên đưa lên không gian ngày 7.2 nặng 204 kg, gấp đôi tải trọng của vụ phóng vệ tinh hồi tháng 12.2012, và tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh có thể có tầm bắn tới 13.000 km, tăng khá nhiều so với tầm bắn khoảng 10.000 km được ước tính trước đó.
Tầm bắn xa hơn như vậy sẽ đặt gần như toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ trong tầm ngắm. Đối với tầm bắn 10.000 km, khoảng 38% lãnh thổ Mỹ với 120 triệu dân cũng đã bị “khoanh vùng”, theo The National Interest. Rõ ràng, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là rất nghiêm trọng.
Mặc dù Triều Tiên luôn khẳng định vụ phóng trên là một phần trong chương trình không gian hòa bình song Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc đây là vụ thử “tên lửa đạn đạo liên lục địa trá hình”.
Theo tờ The Daily Beast dẫn lời một chuyên gia về Triều Tiên, hệ thống vệ tinh được Bình Nhưỡng phóng lên vũ trụ ngày 7.2 có trọng lượng tương đương một đầu đạn hạt nhân. Hãng Yonhap dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc ngày 14.2 cho biết thêm Bình Nhưỡng cũng đã cho thành lập một đơn vị quân sự mới để triển khai tên lửa đạn đạo di động với tầm bắn vươn tới Mỹ. Giới quan sát nhận định Triều Tiên thực sự là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
Tăng cường phòng thủ
Đối mặt với các thách thức trên, Mỹ quyết tâm tăng cường các hệ thống phòng thủ bất chấp sự phản đối từ Nga và Trung Quốc.
Theo Sputnik, Washington có thể bảo vệ đất nước khỏi một cuộc tấn công bằng ICBM từ Triều Tiên bằng hệ thống phòng thủ tên lửa đa nhiệm. Theo các chuyên gia quốc phòng, trong trường hợp này, Mỹ có thể chuyển sang hệ thống phòng không cố định đánh chặn tên lửa ở kỳ giữa (GMD), để tiêu diệt toàn bộ tên lửa tấn công trong không gian.
Hiện có 30 giàn phóng tên lửa đánh chặn như vậy được triển khai giữa các căn cứ quân sự ở Alaska và California. Cụ thể, có 26 giàn phóng tên lửa đánh chặn tại căn cứ Fort Greely thuộc bang Alaska và 4 giàn phóng tại căn cứ Vandenberg ở bang California. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có kế hoạch bổ sung thêm 14 giàn phóng trong thời gian sắp tới với tổng chi phí ước tính khoảng 1 tỉ USD. Reuters cho hay số giàn phóng tên lửa đánh chặn này sẽ được Mỹ bố trí tại căn cứ Fort Greely, bang Alaska. Lầu Năm Góc cũng trấn an rằng số giàn phóng nói trên không nhằm vào các tên lửa ICBM của Nga và Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc bố trí thêm hệ thống tại Alaska là nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên.
Ngoài ra, Washington đang xem xét chuyển đổi khu thử nghiệm tên lửa ở đảo Hawaii thành căn cứ chiến đấu nhằm tăng cường lá chắn cho bờ Tây trước nguy cơ bị đe dọa tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên và cả Trung Quốc. Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Mỹ cho hay đề nghị chuyển đổi công năng của khu thử tên lửa này được nói đến từ nhiều năm nay và vừa được giới quân sự nhắc lại sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên ngày 6.1 qua. Washington muốn nhanh chóng đưa ra quyết định đối với căn cứ này trong bối cảnh bị đe dọa tấn công hạt nhân.
Bên cạnh đó, Washington mới đây nhanh chóng cho triển khai thêm một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot tới Hàn Quốc, đồng thời đã nhất trí đưa hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, theo trang tin Business Insider. Hệ thống này có thể tiêu diệt mọi tên lửa của đối phương ngay trên trời, cho phép khắc chế bất kỳ tên lửa tầm xa nào của Triều Tiên.
Nga, Trung Quốc phản đối
Những động thái tăng cường phòng thủ của Mỹ đã khiến Trung Quốc và Nga khó chịu. Bắc Kinh lâu nay phản đối việc đưa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đến Hàn Quốc.
Theo The National Interest, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 7.2 đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc Kim Jang-soo tại Bắc Kinh để trao công hàm phản đối quyết định của Seoul tiến hành thảo luận với Mỹ về việc triển khai THAAD.
Bắc Kinh cho rằng động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Nga ngày 10.2 cũng cảnh báo việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Sự hiện diện của các đơn vị thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong khu vực có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang tại Đông Bắc Á và làm phức tạp giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Trên quy mô toàn cầu, bước đi này có thể làm gia tăng ảnh hưởng tàn phá của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ đối với an ninh và ổn định quốc tế”. Moscow còn nhấn mạnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là đáng lên án song cáo buộc Mỹ lợi dụng tình hình để mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Bình Nhưỡng cũng lên án quyết định trên của Seoul, theo trang tin địa phương JTBC. Truyền thông Triều Tiên gọi đây là chiến thuật “chống lại người Triều Tiên”, cũng như “chống lại việc thống nhất hai miền Triều Tiên”.
|
Bình luận (0)