Lộ diện át chủ bài của hải quân Úc

29/09/2016 13:00 GMT+7

Hải quân Úc sẽ sớm tiếp nhận khu trục hạm phòng không được cho là thuộc hàng những tàu chiến lợi hại nhất của nước này.

Theo chuyên san The Diplomat hôm 28.9, tàu khu trục có khả năng tác chiến phòng không HMAS Hobart của hải quân Úc đã hoàn tất thành công giai đoạn thử nghiệm trên biển ở vùng biển Nam Úc.
“Giai đoạn đầu của quy trình thử nghiệm trên biển diễn ra trong nhiều ngày qua và việc thử nghiệm thân tàu, động cơ đẩy và hệ thống định vị cho kết quả khả quan. Giai đoạn hai sẽ diễn ra vào đầu năm 2017. Khi đó, HMAS Hobart sẽ trải qua các cuộc kiểm tra về hệ thống liên lạc và tác chiến”, một quan chức thuộc chương trình Tàu khu trục phòng không Úc (AWD) thông báo.
AWD là dự án đóng mới các tàu chiến lớp Hobart dựa trên cơ sở từ tàu hộ tống lớp Álvaro de Bazán của hải quân Tây Ban Nha. Với kinh phí hơn 8 tỉ USD, đây là chương trình phát triển quốc phòng lớn nhất được Canberra triển khai từ trước đến nay với sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Hãng đóng tàu ASC và Tập đoàn công nghệ quân sự Raytheon của Mỹ.
Theo các nguồn tin từ Canberra, mục tiêu chính của AWD là vừa nâng cao khả năng tác chiến của hạm đội tàu chiến Úc, vừa tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa.
Trang bị “khủng”
HMAS Hobart được đặt tên theo TP. Hobart thuộc bang Tasmania của Úc. Với độ choán nước khoảng 7.000 tấn, khu trục hạm phòng không này đạt tốc độ tối đa 52 km/giờ. Con tàu dài 147,2 m, rộng 18,6 m, tầm hoạt động 5.000 hải lý với thủy thủ đoàn 186 người cùng 16 nhân sự để vận hành máy bay trực thăng trên tàu. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đánh giá trong trường hợp cần thiết, sức chứa tối đa của tàu có thể được nâng lên 234 người.
Theo The Diplomat, HMAS Hobart là mẫu tàu chiến đầu tiên của hải quân Úc được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ cùng nhiều loại tên lửa đối không hiện đại. Ngoài ra, tàu lớp này cũng được gắn hệ thống sóng âm (sonar) tân tiến, pháo phòng không 127 mm, ngư lôi tối tân cho những chiến dịch tác chiến chống ngầm và hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon nhằm đối phó các mối đe dọa trên mặt nước. Tàu lớp Hobart còn có khả năng chở trực thăng cũng như các máy bay không người lái.
Bên cạnh đó, một số thành viên trong dự án AWD tiết lộ loại radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/SPY-1D trang bị trên HMAS Hobart có khả năng phát hiện và theo dõi tới 200 mục tiêu cùng lúc, bao gồm mọi loại tên lửa của đối phương, kể cả tên lửa đạn đạo ở phạm vi hơn 300 km. Theo trang USNI News, khu trục hạm phòng không của Úc cũng sở hữu giàn tên lửa vượt trội với 48 ống phóng thẳng đứng Mark 41 sử dụng tên lửa tiêu chuẩn SM-2 của hãng Raytheon và tên lửa RIM-162 Sea Sparrow phiên bản cải tiến. Tên lửa SM-2 có tầm bắn 170 km, tầm cao 24 km, chuyên dùng để bắn hạ chiến đấu cơ.
Tàu chiến đa nhiệm
Tàu HMAS Hobart là chiếc đầu tiên trong 3 khu trục hạm lớp Hobart được Bộ Quốc phòng Úc lên kế hoạch đóng mới. Dự kiến sau khi trải qua giai đoạn 2 của quy trình thử nghiệm vào đầu năm sau, tàu sẽ chính thức được bàn giao cho hải quân Úc vào tháng 6.2017. Hai chiếc còn lại là HMAS Brisbane và HMAS Sydney sẽ lần lượt được bàn giao vào tháng 9.2018 và tháng 3.2020, theo The Diplomat.
Mang danh là khu trục hạm tác chiến phòng không, nhưng trên thực tế tàu chiến lớp Hobart được trang bị nhiều loại vũ khí tân tiến có thể phục vụ cho hàng loạt nhiệm vụ khác nhau như chống hạm, săn tàu ngầm cũng như đóng vai trò hỗ trợ tấn công và bảo vệ các tàu khác, chẳng hạn như tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Canberra, trước những cuộc tấn công từ máy bay cũng như tên lửa trong phạm vi khoảng 150 km.
Chuyên trang Naval Technology dẫn lời các chuyên gia nhận định khả năng đa nhiệm của lớp tàu Hobart vô cùng đáng gờm vì còn có thể tấn công lực lượng triển khai ven biển của đối phương cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng ở bờ biển. Bên cạnh đó, các tàu khu trục mới của Úc cũng có thể được triển khai thực hiện nhiều sứ mệnh khác như hoạt động thực thi pháp luật, tuần tra bảo đảm tự do hàng hải, hỗ trợ bảo vệ cộng đồng dân cư, thu thập dữ liệu về môi trường, tham gia các chiến dịch cứu hộ và ứng cứu thiên tai.
Hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống tác chiến Aegis trang bị trên tàu Hobart đã lạc hậu và cần nâng cấp trong bối cảnh hải quân Mỹ đã phát triển phiên bản mới để trang bị cho các tàu chiến của nước này. Theo The Diplomat, Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) đã bắt đầu phát triển và thử nghiệm hệ thống Aegis nâng cấp hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, các nguồn tin quốc phòng Úc cho hay trong ngân sách dành cho AWD có một phần định sẵn sẽ được sử dụng để nâng cấp lớp Hobart nên sớm muộn gì các tàu này cũng sẽ được nâng cấp và cải tiến.
Trước mắt, giới chức Canberra khẳng định lòng tin rằng khi chính thức đi vào hoạt động, các khu trục hạm lớp Hobart sẽ thiết lập hệ thống phòng không đáng tin cậy, giúp giữ vững vị thế quân sự của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.