Về nghĩa đen, cả hai chữ “hot” (nóng) và “dog” (chó) trong món bánh mì kẹp xúc xích “hot dog” của Mỹ đều không diễn tả ý nghĩa của nó. Tuy nhiên với nhiều người Hồi giáo, kể cả việc đặt tên như thế cũng ảnh hưởng không ít đến cái nhìn của họ.
BBC ngày 19.10 cho biết Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia, một cơ quan tôn giáo của chính phủ, khẳng định đã chấp nhận đề xuất yêu cầu các cửa hàng bán hot dog phải đổi tên món, vì đã nhận nhiều lời phàn nàn từ khách du lịch theo đạo Hồi.
tin liên quan
Cô giáo bỏ việc vì không muốn bắt tay với đồng nghiệp nam“Trong đạo Hồi, loài chó bị xem là ô uế và cái tên ấy không thể xuất hiện liên quan tới những giấy chứng nhận Halal”, Giám đốc Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia, Sirajuddin Suhaimee nói.
Chứng nhận Halal là một loại giấy phép xác nhận các sản phẩm đạt chuẩn về các thành phần và điều kiện sản xuất của kinh Koran và Luật Sharia của người Hồi giáo.
Tên sản phẩm cũng không được đặt theo cách gây nhầm lẫn với những cấm kỵ của chứng nhận Halal. Theo đó, một số sản phẩm không được nhận chứng nhận Halal vì tên gọi gây nhầm lẫn gồm thịt giăm bông, món bak kut teh (một loại súp có thành phần chính là thịt heo), thịt ba rọi/thịt xông khói, bia, rượu rum và nhiều món khác.
Đầu tuần này, một cửa hàng kinh doanh nhượng quyền của thương hiệu bánh nổi tiếng Auntie Anne’s tại Malaysia đã bị từ chối cấp giấy chứng nhận Halal vì bán món “Pretzel Dogs” – một loại bánh mì dài cuộn xúc xích. Ông Sirajuddin Suhaimee nói rằng tốt hơn hết cửa hàng này nên đổi tên trong thực đơn thành “Pretzel Sausage” (bánh quy xúc xích).
Và dù đại diện của Auntie Anne’s đồng ý đổi tên, nói rằng đây chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng vụ việc một lần nữa tạo ra tranh cãi ở Malaysia.
Luồng ý kiến ngược lại của Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Malaysia, Nazri Aziz cho rằng lập luận của Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia cổ hủ, xét nét.
“Hot dog là hot dog chứ gì nữa. Thậm chí ở Malaysia nó cũng được gọi là hot dog từ nhiều năm nay rồi. Tôi cũng là người Hồi giáo và tôi chẳng cảm thấy bị xúc phạm gì cả. Tên gọi này xuất phát từ tiếng Anh. Làm ơn đừng khiến chúng ta trở nên ngu ngốc và lạc hậu như vậy”, BBC dẫn lời ông Nazri Aziz.
Trên mạng xã hội, người Malaysia cũng tranh cãi về động thái của Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia. Khá nhiều ý kiến đồng tình với Bộ trưởng Aziz, trong đó có một ý kiến hài hước rằng: “Cửa hàng bán thú cưng làm ơn đổi tên con chó của các bạn thành xúc xích đi”.
Malaysia là một nước ôn hòa về tôn giáo, dù hiến pháp nước này quy định Hồi giáo là quốc giáo. Chính sách ôn hòa tôn giáo khiến nơi đây cũng có nhiều người theo đạo Phật, đạo Hindu, đạo Thiên Chúa và đạo Lão.
Theo đạo Hồi, những người Malaysia không được uống rượu và ăn thịt heo. Dù không hề áp đặt luật Hồi giáo lên người khác, những người theo đạo Hồi ở Malaysia cũng có một quy tắc riêng trong sinh hoạt. Từ Halal nghĩa là “hợp pháp”, “được cho phép”, dùng để chỉ chung các sản phẩm, hành động trong đời sống. Trái ngược với Halal là từ “Haram”, nghĩa là không được phép.
Bình luận (0)