Mang bom lên máy bay khó cỡ nào? Kỳ 2: Khi không tặc 'xuống cấp'

09/11/2015 21:18 GMT+7

(TNO) Chất nổ giấu trong giày, trong hộp nước uống, trong chai nước hoa - nếu cách đây chỉ chừng hơn một thập niên, đó là chuyện hoang tưởng.

(TNO) Chất nổ giấu trong giày, trong hộp nước uống, trong chai nước hoa - nếu cách đây chỉ chừng hơn một thập niên, đó là chuyện hoang tưởng.

Hành khách thời nay không còn than phiền vì quy trình an ninh, ngay cả khi bị nhìn xuyên qua tất cả các lớp quần áo - Ảnh: AFPHành khách thời nay không còn than phiền vì quy trình an ninh, ngay cả khi bị nhìn xuyên qua tất cả các lớp quần áo - Ảnh: AFP
Bom không đơn giản là... bom 
Một bước ngoặt làm thay đổi nhận thức của ngành an ninh hàng không trên toàn thế giới là vào năm 1985, khi chuyến bay 182 của hãng hàng không Air India từ Toronto (Canada) đến Delhi (Ấn Độ) phát nổ giữa trời, cướp đi sinh mạng 329 người.
Trước sự cố này, theo đánh giá của Cơ quan hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì "nguy cơ lớn nhất đe dọa hàng không dân dụng là không tặc". Sau vụ đánh bom Air India, hệ thống soi chiếu hành khách và hành lý xách tay được triển khai hiệu quả trên khắp thế giới - cũng theo đánh giá của ICAO.
Công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường an ninh tại sân bay. Hàng loạt loại máy soi chiếu điện tử cực kỳ hiện đại chào đời rất nhanh và được trang bị những công nghệ mới nhất để phát hiện chất nổ. Một khi nhân viên an ninh phát hiện bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào, họ sẽ tận dụng máy soi để kiểm tra các loại hóa chất khác nhau trong hành lý đối tượng có thể kết hợp thành chất nổ, cùng lúc soi kỹ lưỡng hành lý của các hành khách khác trong cùng chuyến bay để chắc chắn không có một âm mưu kết hợp nào.
Chó nghiệp vụ ở sân bay luôn được huấn luyện đánh hơi chất nổ - Ảnh: AFP
Một quả bom thời nay không đơn giản là một quả bom nữa. Đó có thể là hóa chất được sử dụng trong rất nhiều loại mỹ phẩm, vật dụng hàng ngày nhưng nếu biết cách kết hợp có thể trở thành loại vũ khí chết người, có thể làm banh xác những con chim sắt kiên cố nhất cùng với tất cả những gì trong "bụng" nó.
Chuyện hoang đường ở các sân bay
Một số biện pháp an ninh thuộc loại hoang tưởng trong quá khứ đã được áp dụng sau những sự cố an ninh thuộc loại... khó tưởng tượng ra. Chẳng hạn sau vụ người đàn ông quốc tịch Anh tên Richard Reid định làm nổ tung chiếc máy bay của American Airlines bằng chất nổ giấu trong giày hồi năm 2001, cảnh tháo giày đi chân đất tại khu vực kiểm tra an ninh thành chuyện thường ngày ở các sân bay.
Đến 2006, người ta phá được một âm mưu khủng bố kinh hoàng, khi những kẻ khủng bố âm mưu dùng chất nổ lỏng để tấn công 7 chiếc máy bay xuyên đại dương. Ngay lập tức, Mỹ và châu Âu giới hạn lượng chất lỏng hành khách có thể mang lên máy bay. Không ai còn có thể vô tư xách theo các chai nước suối lên máy bay nữa. Đến sữa cho em bé bú cũng bị soi tới nơi tới chốn, chỉ trừ... sữa mẹ.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời David Learmount, một nhà báo chuyên viết về an ninh hàng không ở Anh, nhớ lại: "Đầu tiên, ngay sau khi âm mưu này bị phá vỡ, chưa ai biết rõ đó là thứ gì. Người ta chỉ nói rằng họ biết những gã này đang định làm gì đó nhưng không biết chính xác. Thế là hành khách bị cấm xách tay bất kỳ thứ gì lên máy bay, ngay cả sách bìa cứng". Chỉ đến khi âm mưu được xác định vạch rõ, luật hạn chế chất lỏng lên máy bay mới được áp dụng và những thứ vô hại khác (ít nhất là chưa gây hại gì) được cho phép.
Nhìn xuyên qua áo quần
Tháo giày là chuyện thường ngày ở các sân bay thời nay - Ảnh: AFP
Những năm gần đây, soi cả cơ thể hành khách là quy trình thường quy tại nhiều sân bay trên thế giới, cho phép nhân viên an ninh nhìn xuyên qua quần áo trên toàn bộ cơ thể hành khách. Đó là điều khó tưởng, khó lòng được dư luận chấp nhận, cả khi chỉ mới là ý tưởng nếu được đề cập tới chừng hai chục năm trước. Nhưng sau hàng loạt vụ khủng bố hàng không, nhất là vụ 11.9 ở Mỹ, dư luận trở nên "dễ tính" hơn rất nhiều với cả những biện pháp nhạy cảm như thế này.
Nhưng dẫu có soi cả người, từ đỉnh đầu tới gót chân, năm 2010 ông Alan Johnson - lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ Anh - xác định rất rõ: chẳng có biện pháp an ninh đơn lẻ nào là đủ để hạ gục khủng bố.
Cuối cùng, yếu tố con người là điều chẳng công nghệ nào thay thế được, cùng lúc chẳng có công nghệ nào kiểm soát được. Tham nhũng, hối lộ có thể phá hỏng tất cả mọi quy trình an ninh, và những kẻ khủng bố sẽ không bỏ qua cơ hội lợi dụng yếu tố này. Cả thế giới sẽ phải tiếp tục căng mắt ra mà dò khủng bố, cho dù đang sở hữu những công nghệ "xịn" tới cỡ nào.
Quy trình kiểm tra an ninh tại sân bay
Làm thủ tục tại quầy. Quy định về các loại vật dụng được phép mang lên máy bay ngày càng khắt khe. Không có bất kỳ vật sắc nhọn nào cũng như loại chất lỏng nào nhiều hơn 100 ml được mang trong hành lý xách tay. Thông thường, túi hành lý xách tay không được lớn hơn quy cách 56 cm x 45 cm x 25 cm.
Kiểm tra hành lý xách tay: Máy soi hành lý sẽ kiểm tra xem bên trong những chiếc túi khóa kín có thứ vật dụng gì thuộc danh mục bị cấm hay không. Trong nhiều trường hợp, chó nghiệp vụ hoặc lấy mẫu kiểm tra hóa chất sẽ được áp dụng để đảm bảo trong hành lý xách tay của hành khách không có loại hóa chất nào có thể được dùng để chế tạo bom. Nhân viên an ninh có thể yêu cầu hành khách bật các thiết bị điện và điện tử trong hành lý xách tay.
Soi cơ thể: Hành khách sẽ phải đi qua một cổng dò kim loại, có thể cả máy soi toàn thân để nhân viên an ninh có thể “nhìn xuyên qua” các lớp quần áo của họ, xem có gì khả nghi giấu dưới các lớp áo quần hay không.
Kiểm tra hộ chiếu: Nhiều nước đã sử dụng hộ chiếu sinh trắc, cho phép nhân viên an ninh dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để so sánh với hình ảnh kỹ thuật số được lưu trên hộ chiếu. Các chi tiết sẽ tự động được đem so sánh với cơ sở dữ liệu an ninh và danh sách các cá nhân có “tiềm năng” gây rắc rối. Một số sân bay cũng sử dụng công nghệ nhận diện mống mắt để kiểm tra hộ chiếu.
Kiểm tra thẻ lên máy bay: Thông thường, đây là cửa an ninh cuối cùng mà hành khách phải vượt qua trước khi lên máy bay. Hầu hết các sân bay đều được trang bị máy đọc tự động để đảm bảo an ninh lần cuối đối với hành khách lên máy bay.
Kiểm tra hành lý gởi: Tất cả hành lý gởi sẽ phải chạy qua máy soi lớn và có thể bị chó nghiệp vụ đánh hơi. Quy trình này diễn ra ở một khu vực riêng, tách biệt với khu vực dành cho hành khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.