(TNO) Một năm trôi qua kể từ khi chiếc Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) của hãng Malaysia Airlines chở 239 người mất tích bí ẩn vào ngày 8.3.2014, nhiều thân nhân hành khách vẫn không nghĩ rằng đây là một vụ tai nạn, nghi ngờ chính quyền Malaysia che đậy thông tin về vụ việc.
Ảnh minh họa máy bay của Malaysia Airlines tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: Reuters
|
Chuyến bay MH370 mất tích sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Chính quyền Malaysia hồi tháng 4.2014 tuyên bố MH370 rơi xuống nam Ấn Độ Dương, theo tờ Telegraph (Anh) ngày 7.3.
Đến ngày 29.1, chính quyền Malaysia tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố vụ máy bay MH370 mất tích là một tai nạn, tất cả 239 người trên máy bay được xem như đã chết.
Voice 370, nhóm hoạt động xã hội ủng hộ thân nhân hành khách MH370, tuyên bố họ không chấp nhận tuyên bố của chính quyền Malaysia ngày 29.1 và nghi ngờ Kuala Lumpur cũng như hãng Malaysia Airlines đang cố che đậy sự thật.
“Không ai nghĩ đó là một vụ tai nạn”, kỹ sư người Pháp Ghyslain Wattrelos nói.
Vợ và hai đứa con 13, 17 tuổi của ông Wattrelos là hành khách trên chuyến bay MH370. Cũng giống như bao thân nhân hành khách khác, ông Wattrelos đã phải trải qua một năm đầy đau đớn.
“Tất cả các chuyên gia đều nói đây không phải là một vụ tai nạn, vì thế tôi không thể chấp nhận đây là một vụ tai nạn như họ đã tuyên bố. Tôi rất giận dữ. Tôi không thể chấp nhận được”, ông Wattrelos nói.
Theo ông Wattrelos, điều tội tệ hơn là cách ông nhận được thông báo từ Malaysia Airlines. Ông Wattrelos nhận được một cuộc gọi từ Malaysia Airlines vào ngày 29.1, bảo ông hãy xem thông báo của chính quyền Malaysia phát trên đài CNN.
Tưởng rằng có thêm thông tin gì mới, nhưng chính quyền Malaysia chỉ tuyên bố đây là một vụ tai nạn mà không hề đưa ra bất kỳ chứng cứ nào cho thấy tất cả hành khách đã thiệt mạng, không có bất kỳ thi thể hành khách hay mảnh vỡ máy bay nào được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm vô vọng kéo dài một năm qua.
Theo tờ Telegraph, động thái trên của chính quyền Malaysia là nhằm giúp thân nhân hành khách MH370 có thể làm những thủ tục hành chính khai tử cho người thân và tiến hành công tác bồi thường, nhưng lại khiến các gia đình tức giận.
Cũng như nhiều thân nhân hành khách khác, ông Wattrelos cho rằng chính phủ các nước, bao gồm Malaysia, Mỹ, Úc và cả nước Pháp đang che đậy điều gì đó.
Nhưng ông Wattrelos khẳng định ông sẽ không bỏ cuộc và sẽ thuê điều tra viên độc lập tiến hành điều tra vụ MH370 nhằm tìm ra sự thật đằng sau vụ máy bay mất tích bí ẩn này.
“Tôi muốn chính phủ của tôi làm điều gì đó… sự im lặng của họ, đối với tôi đáng nghi ngờ. Tôi sẽ dùng hết thời gian và tiền bạc của tôi để tìm ra sự thật”, ông Wattrelos cho biết.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 8.3 cho biết đất nước của ông cam kết sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm máy bay MH370 đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ tìm thấy MH370, theo AFP.
“Phối hợp với đối tác quốc tế của chúng tôi, chúng tôi theo sát rất ít chứng cứ tồn tại. Malaysia duy trì cam kết tiếp tục tìm kiếm và kỳ vọng sẽ tìm thấy MH370”, Thủ tướng Razak cho biết nhân dịp kỷ niệm một năm MH370 mất tích mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
|
Bình luận (0)