“Đây chỉ là một biện pháp mới áp dụng kể từ tuần rồi nhằm hòa giải, giúp cứu vớt các cuộc hôn nhân bị rạn nứt”, bà Lưu Xuân Linh, trưởng Văn phòng đăng ký kết hôn thuộc Sở nội vụ Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), nói với tờ South China Morning Post.
“Thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, chúng tôi có thể hiểu rõ cặp vợ chồng gặp vấn đề gì, từ đó có cơ sở để hòa giải”, bà Lưu cho biết.
Hình ảnh về bộ câu hỏi trắc nghiệm được chia sẻ tại tài khoản chính thức của Văn phòng đăng ký kết hôn trên mạng xã hội Weibo. Bài trắc nghiệm này được chia làm 3 phần, tổng điểm là 100.
Trong phần 1, các cặp vợ chồng phải trả lời 10 câu hỏi, bao gồm ngày tháng năm sinh và ngày cưới. Phần 2 có nhiều câu hỏi chi tiết hơn, chẳng hạn “Xung đột lớn trong cuộc hôn nhân giữa hai người là gì?”. Trong khi đó, phần 3 yêu cầu họ viết ra những suy nghĩ về cuộc hôn nhân và kế hoạch sau khi ly dị.
Cặp vợ chồng nào đạt trên 60 điểm sẽ hôn nhân có khả năng được cứu vãn, trong khi những ai có điểm thấp hơn con số này có khả năng ly hôn cao, theo Văn phòng đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp đầu tiên, chỉ người vợ tham gia, đạt 100 điểm. Ông chồng từ chối tham gia, tức 0 điểm. Một cán bộ công tác xã hội nhận định người vợ vẫn còn thiết tha với chồng nên cố hòa giải và khuyên họ không nên ly hôn.
“Mục đích chính của bài trắc nghiệm này là giúp hai bên có thời gian suy nghĩ nghiêm túc về hôn nhân và gia đình”, theo Văn phòng đăng ký kết hôn. Mặc dù bài thi trắc nghiệm là tự nguyện, nhưng một số người bày tỏ bức xúc, cho rằng động thái này chống lại quyền tự do cá nhân. Theo bà Lưu, có rất nhiều cặp vợ chồng từ chối tham gia.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ ly dị ở Trung Quốc gia tăng trong khi kết hôn lại giảm. Số liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy cứ mỗi 1.000 người thì có 3 người ly hôn trong năm 2016, tăng gấp đôi so với 2006 là 1,46. Tổng cộng 4,2 triệu cặp đôi ly dị trong năm 2016, tăng 8,3% so với 2015. Tuy nhiên, số lượng kết hôn trong 2016 là 11,4 triệu người, giảm 6,7% so với 2015.
Bình luận (0)